Một món ăn vặt đáng yêu, đáng yêu chính ở chiếc bánh nhỏ nhỏ xinh xinh, có viên nhân đậu xanh tròn tròn lúc lắc bên trong. Vâng, Bánh rán lúc lắc (tên gọi khác là Bánh cam lúc lắc) khác với Bánh rán bình thường ở cái chữ "lúc lắc" đó thôi.
Cách làm Bánh rán lúc lắc đương nhiên phải có vài bí quyết nhưng về cơ bản thì ko hề khó, có thể nói là khá gọn và đơn giản. Vỏ bánh được làm từ bột nếp trộn thêm phần nhỏ bột tẻ, nhân bánh là đậu xanh đường sên đặc với nước cốt dừa, lớp vừng thơm phủ kín vỏ bánh.
Nếu có điều kiện bạn có thể tự chọn loại gạo thật ngon, ngâm qua đêm ở nhà rồi mang ra hàng xay chắt lấy bột - đảm bảo chiếc bánh của bạn sẽ ko thua kém gì bánh Gia Trịnh (1 tiệm bánh khá nổi tiếng ở phố Lý Nam Đế- Hanoi). Nếu ko cũng chẳng sao, giống mình, bạn có thể chọn loại bột đóng gói sẵn.
Với công thức mình đưa ra dưới đây vỏ bánh mềm, giòn; để đến hôm sau thì bánh ỉu nhưng vẫn mềm; để qua đến hôm sau nữa thì bánh dai và cứng lại.
Vì cách làm cũng rất nhanh, nên bạn có thể làm nhiều nhân bánh rồi cất đông đá trong tủ lạnh dùng dần, lúc nào muốn ăn chỉ cần chuẩn bị bột, ăn đến đâu rán đến đó.
BÁNH RÁN LÚC LẮC
{công thức được mình tìm hiểu từ WTT- Baking Challenge 37}
1. Nhân bánh (nên được chuẩn bị từ trước, cho tiện và đỡ tốn thời gian)
- Đậu xanh cà vỏ, vo sạch, ngâm qua 1 đêm cho nở mềm
- Hấp chín đậu xanh, giã nhuyễn
- Trộn đậu xanh đã giã nhuyễn + đường + nước cốt dừa + dừa nạo (nêm nếm độ ngọt cho vừa ý)
Có thể không dùng nước cốt dừa và dừa nạo, thay vì đó bạn sên đậu xanh + đường + dầu ăn.
- Sên khô đặc lại trên bếp
- Vo tròn đậu xanh vừa sên thành từng viên nhỏ, cất trong ngăn đá cho đông cứng.
Lưu ý:
Nhân bánh có thể làm sẵn, vo viên, trữ trong tủ đông dùng dần.
Đây là bước quan trọng, quyết định bánh có "lúc lắc" hay không, về cơ bản các bước làm như trên, nhưng bạn cần lưu ý
- Khi sên nhân bánh phải sên kỹ, sao cho sau khi sên xong, đậu xanh phải tương đối khô, ko được ướt.
- Khi vo viên nhân bánh phải vo chắc tay, để nhân bánh ko bị bở ra
- Phải để nhân bánh đông cứng, đóng đá, khi làm bánh mới gói được bánh và nhân mới lúc lắc, không dính vào vỏ bánh.
2. Vỏ bánh
- Tỷ lệ bột vỏ bánh như sau: 250g bột nếp + 15g bột gạo (bột tẻ) + 3tbsp đường xay mịn + 1 thìa canh dầu ăn.
Thêm bột gạo để tạo độ giòn, nhưng nếu nhiều bột gạo thì lại khiến bánh bị cứng.
Bạn có thể nhào bột, rán vài cái mẻ đầu và ăn thử. Sau đó tự điều chỉnh tỷ lệ bột sao cho phù hợp. Nếu thấy vẫn cứng thì cho thêm bột nếp (hoặc dầu ăn), hoặc thấy chưa giòn thì cho thêm chút bột gạo, rồi nhào lại.
- Nhào bột bằng sữa tươi không đường.
Đổ sữa vào từ từ, đổ thành nhiều lần, mỗi lần một chút. Vừa đổ vừa nhào. Đến khi bột mịn đều, ko khô, ko nhão, ko dính tay, cảm giác bột dẻo- dai.
Như mình nhiều lần đã giải thích là mỗi loại bột có độ ăn nước khác nhau, tùy thuộc vào hiệu bột, bột cũ hay bột mới,... Mình đã đọc nhiều công thức, nhào bột nhiều lần, thực sự rất khó để có một tỷ lệ bột : nước cố định và đúng cho tất cả mọi người.
- Gói kín và để bột nghỉ 30' (làm luôn ko để thời gian nghỉ cũng được)
3. Gói bánh
- Vo bột thành từng viên tròn, to hơn viên nhân một chút.
- Lúc nào bắt đầu gói bánh mới bỏ nhân bánh ra khỏi tủ lạnh.
- Cách gói bánh
+ Hơi ấn dẹp viên bột 1 chút, ko dàn mỏng bột.
+ Đặt viên nhân vào giữa, ấn sâu vào trong viên bột
+ Vuốt cho bột 2 bên phủ kín, đều nhân
+ Vo tròn
Yêu cầu:
Vì nhân bánh đã cứng, đông đá nên bạn thoải mái vo, gói bánh dễ dàng
Vỏ bánh phải bao kín nhân, đều (ko được chỗ dầy, chỗ mỏng), phải ôm khít vào nhân, ko được có lỗ hở hay khoảng trống giữa nhân và vỏ. Nếu có khoảng trống, lỗ khí thì khi rán bánh sẽ bị nổ, bánh bị biến dạng, ko tròn.
Nghe thì khó hình dung, nhưng bạn cứ yên tâm, nếu còn khoảng hở giữa nhân và vỏ thì khi tay mình vo tròn bánh- vỏ bánh sẽ tự động bị vỡ ra.
- Lăn đều bánh qua vừng (hay mè, chưa rang).
- Sau khi lăn bánh qua vừng, vo tròn bánh lần nữa để vừng bám sâu vào lớp bột, ko bị rơi ra ngoài khi rán.
4. Rán bánh
- Rán bánh cần nhiều dầu, sao cho dầu ngập bánh.
- Nồi hoặc chảo rán phải rộng đủ cho bánh nở to hơn lúc ban đầu, và bơi được trong dầu
- Cho bánh vào từ khi dầu mới chỉ hơi ấm. Bật bếp nhỏ lửa.
- Khi bánh bắt đầu nổi lên, phải liên tục lăn bánh. Nếu ko bánh sẽ vàng ko đều.
- Nếu bánh có hiện tượng nứt phải ngay lập tức dìm bánh xuống dầu, bánh sẽ tròn trở lại, ko bị nổ và ko bị sũng dầu bên trong.
- Bánh vàng đều là được, bỏ ra giá hay giấy thấm dầu cho ráo dầu.
Bánh nên ăn ngay sau khi làm.
Chúc bạn ngon miệng!!!
No comments:
Post a Comment