"Thời gian như gâu gâu chạy ngoài đồng" ý nhờ!? Thoắt cái mà đã hơn 2 tháng mình bỏ bê bếp núc; thôi ko cần phải nhớ thương gì nữa, mình đã quay lại và xin hứa sẽ "tệ hại" hơn xưa ^^
Để khởi động lại guồng máy ì trệ (chưa lâu lắm) cũng khó thật, bằng chứng là nãy giờ mình ngồi cả nửa tiếng mà ko biết viết gì để hầu chuyện vui cho cả nhà đơi...
Cơn bão Bánh Trung thu đã xuất hiên từ vài tháng trước, tung hoành khắp các blog, group nấu ăn, nhà nhà làm Bánh Trung thu, người người ăn Bánh Trung thu. Mình thì năm nay là năm đầu tiên làm Bánh Trung thu, nên cứ đủng đỉnh theo sau thôi.
Đợt này mình chỉ làm Bánh nướng - Nhân nhuyễn, vì ko đủ thời gian và điều kiện để làm Nhân thập cẩm, cũng như Bánh dẻo. Nên tất cả các công thức, cách làm mình giới thiệu đều dành cho Bánh nướng nhé :)
Làm Bánh Trung thu hóa ra ko hề khó, nhưng cần được chuẩn bị trước một thời gian, đó là khâu Muối trứng và Nấu nước đường:
- Nếu bạn muốn làm Bánh Trung thu có nhân Trứng muối, thì cần muối trứng trước khi làm khoảng 1 tháng. Cách muối trứng tại đây (TRỨNG MUỐI)
- Một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để làm Bánh Trung thu đó là Nước đường. Vì vậy khâu này là bắt buộc nhé. Cần làm ít nhất trước 2 tuần.
NƯỚC ĐƯỜNG hiểu đơn giản là nấu đường và nước trong 1 thời gian khá lâu, để sánh lại thành hỗn hợp giống như mật ong. Đây là nguyên liệu quan trọng cho "Vỏ bánh"; quyết định độ ngọt, độ mềm, màu sắc, thời gian bảo quản bánh.
Nước đường quá loãng -> Bột vỏ bánh nhão, ko đứng bánh, bánh ko bảo quản được lâu
Nước đường quá đặc -> Bột vỏ bánh khô bở, bánh cứng
Nước đường để càng lâu càng sánh, làm bánh càng ngon. Có những người để nước đường đến tận 1 năm, hay 3 năm lận. Nhưng thực ra - nếu ko đủ thời gian thì nấu Nước đường trước 2 tuần là có thể dùng được rồi.
Mình nấu nước đường cùng lúc với muối trứng, nên đến khi làm bánh là có Nước đường "1..... tháng tuổi".
CÁCH NẤU NƯỚC ĐƯỜNG
{cách làm cơ bản mình tham khảo từ blog nawngthu.wordpress.com}
xung quanh viền lọ có 1 chút bọt trắng nổi lên, ko có vấn đề hay ảnh hưởng gì đến chất lượng cả bạn nhé |
* Nguyên liệu
(1) - 100gr đường trắng (có thể dùng đường vàng, đường nâu sẽ cho ra thành phẩm màu đậm hơn)
- 50ml nước
(2) - 1kg đường trắng (có thể dùng đường vàng, đường nâu sẽ cho ra thành phẩm màu đậm hơn)
- 600ml nước sôi
- 1 quả chanh vàng: rửa sạch, bỏ hạt (có thể dùng chanh xanh)
Ngoài ra các dụng cụ sử dụng, hũ đựng phải được rửa sạch, tráng bằng nước sôi, phơi thật khô. Để tránh nước đường bị mốc.
* Cách làm
- Đun (1) trên bếp, lửa vừa- to. Ko khuấy. Chỉ lắc tròn nồi cho đều.
- Đến khi hỗn hợp nước đường trên bếp sôi, nổi bọt, và bắt đầu chuyển sang màu caramel
Lưu ý: Ko được khuấy, khuấy vào là bị lại đường ngay.
Đun caramel vừa phải. Ở bước này nếu đun caramel quá 1 chút là nước đường sẽ có mùi khen khét. Hoặc ở bước sau, khi đổ nước sôi vào, hỗn hợp caramel sẽ ko hòa tan ra, mà đóng lại thành 1 tảng ở đáy nồi. Mình làm đến lần thứ 3 mới thành công :(
- Đổ 600ml nước sôi + 1kg đường vào; khuấy nhẹ cho đường tan đều.
- Đun lửa vừa - to cho đến khi hỗn hợp sôi thì hạ lửa nhỏ, hớt sạch bọt.
Và nhớ là từ bước này trở đi Ko khuấy nữa nhé
- Cho chanh vào đun cùng (ko khuấy, vì nước sôi nên sẽ tự hòa tan đều)
Chanh có thể vắt lấy nước cốt, loại bỏ hạt. Sử dụng nước cốt chanh và vỏ chanh
Hoặc làm như mình là khía quả chanh thành nhiều lát (ko khía rời), bỏ hạt. Sử dụng cả quả chanh.
- Vặn lửa nhỏ đun trong khoảng 45' - 60'.
Thực tế là mình đun đến 1 tiếng rưỡi mới đạt. Cái này có lẽ do tùy lửa từng bếp.
Cách tốt nhất đó là thường xuyên kiểm tra xem nước đường đã đạt chưa. Kiểm tra bằng cách: Nhỏ 1 giọt nước đường vào 1 bát nước nguội:
+ Nếu nước đường rơi xuống đáy bát, lan ra (bẹt ra) thành 1 hình tròn là đạt.
+ Nếu nước đường tan trong nước là chưa được, cần đun thêm.
+ Nếu nước đường rơi thẳng xuống đáy bát, tròn xoe, ko bẹt hay lan ra thì tức là đã đun quá lâu. Lúc này cần cho thêm nước sôi vào và đun tiếp.
- Khi nước đường đã đạt thì vớt chanh ra, để nguội rồi đổ vào lọ.
Lọ phải sạch, khô, được tiệt trùng bằng nước sôi.
Nên dùng cách xúc nước đường cho vào lọ, chứ ko nên đổ thẳng từ nồi. Vì các hạt đường bám trên thành nồi sẽ trôi theo vào lọ, dễ gây ra hiện tượng lại đường.
- Nước đường để nguội hoàn toàn mới đóng nắp. Bảo quản nơi thoáng mát.
---***---
- Nước đường sau khi nguội, sánh đặc như mật ong là đạt.
- Nước đường bị mốc: Nhớ rằng, nếu nước đường đun ko kỹ, bị loãng, ngoài việc giảm chất lượng bánh, còn dễ gây hiện tượng mốc nước đường sau 1 thời gian ngắn. Nếu hiện tượng mốc mới chỉ xuất hiện ít, bạn có thể hớt hết những chỗ mốc, rồi đun lại nước đường. Hoặc nếu cẩn thận hơn thì bỏ đi và đun lại nồi nước đường mới.
- Nước đường sau khi nguội bị cô đặc, cứng lại (do nấu quá nhiều): cho thêm chút nước sôi + chanh và đun lại.
- Lại đường (xuất hiện những tinh thể, hạt đường trong lọ nước đường): cũng cho thêm chút nước sôi + chanh đun lại.
Chúc bạn thành công ^.^
No comments:
Post a Comment