Wednesday, 30 April 2014

BÁNH BLUEBERRY VỊ CHANH - LEMON BLUEBERRY BREAD

Lần này mình làm theo công thức của Stephanie Jaworski (Joyofbaking.com). Bánh rất dễ làm, ko đòi hỏi bất kỳ kỹ thuật nào khó hay cầu kỳ. 
Lemon Blueberry Bread là Pound cake nên cấu trúc bánh khá đặc và nặng. Bánh có nhiều vị chanh nên thơm dễ chịu, ko gây ngấy, kết hợp với vị của blueberry ngọt nhẹ. Mình thường làm kiểu này để dùng với trà, hoặc để chồng mang đi làm vài lát bánh ăn lót dạ vào buổi xế chiều.


LEMON BLUEBERRY BREAD 
{công thức của Stephanie Jaworski, tuy nhiên trong quá trình làm mình đã thay đổi 1 chút cho phù hợp với khẩu vị của nhà mình (ít ngọt, nhiều độ ẩm), bạn có thể đọc công thức gốc tại đây}




* Nguyên liệu  (mình sử dụng 2 khuôn bánh nhỏ 16x11x7cm)
- 195g bột mì đa dụng
- 1tsp baking powder
- 1/4tsp muối
- 1tbsp vỏ chanh vàng bào nhỏ
- 1 nắm blueberry, rửa sạch, để khô
- 113g bơ nhạt, cắt thành từng miếng nhỏ, để ở nhiệt độ phòng
- 70g đường  (bằng 1 nửa công thức gốc)
- 3 quả trứng  (ở công thức gốc dùng 2 quả trứng, mình dùng 3 quả để tăng thêm độ ẩm cho bánh)
- 1tsp vanilla
- 120ml sữa tươi ko đường

* Cách làm
- Bật trước lò nướng ở nhiệt độ 165độ C. 
Lót giấy chống dính cho khuôn bánh.

- Trộn đều Bột mì, baking powder, muối, vỏ chanh (gọi là hỗn hợp bột khô)

- Cho quả Blueberry vào 1 cái âu nhỏ, trộn nhẹ 1 thìa hỗn hợp bột ở trên vào Blueberry.
Mục đích của việc trộn này là ngăn ko để quả Blueberry dồn hết xuống đáy khuôn, tập trung hết ở đáy bánh. Tuy nhiên cũng ko đảm bảo 100% được, bởi đôi khi do quả blueberry to và quá nặng.

- Dùng máy đánh bơ khoảng 1' cho đến khi bơ mềm và nhuyễn 
Cho đường vào bơ, và đánh khoảng 2'-3' đến khi hỗn hợp bông, mịn
Cho từng quả trứng vào, và đánh cho hỗn hợp quyện đều
Cho vanilla vào hỗn hợp trên
(lúc này ta có hỗn hợp ướt)

- Chia hỗn hợp bột khô thành 3 phần, chia sữa tươi thành 2 phần.
Lần lượt đổ từng phần vào hỗn hợp ướt trên. Đặt máy đánh ở chế độ thấp nhất, đánh rất nhanh, chỉ cần bột quyện đều là được, nếu còn bột dính ở xung quanh viền cũng ko sao.

- Đổ blueberry vào hỗn hợp bột vừa có, nhẹ nhàng trộn blueberry với bột bánh.
Bạn nhớ nhẹ tay thôi nhé, vì nếu làm vỡ quả blueberry thì bột bánh sẽ bị dây màu xanh từ blueberry, trông sẽ ko đẹp mắt.

- Đổ bột vào khuôn (chỉ đổ đến khoảng 1/2 khuôn)
Nướng ở nhiệt độ 165độ C trong khoảng 25'
Nếu bạn sử dụng khuôn to hơn khuôn của mình, và chỉ sử dụng 1 khuôn, thì nướng ở nhiệt độ 180độ C trong 55'-60'  (theo công thức gốc)

* Lemon glaze
- Trộn khoảng 2tbsp đường + 1tbsp nước chanh
Sau đó cho vào microway làm nóng cho đường tan hết khoảng 20s-30s

- Dùng 1 chiếc tăm nhỏ chọc những lỗ nhỏ trên mặt bánh vừa nướng xong. 
Quết nước chanh đường (lemon glaze) ở trên lên mặt bánh.

- Để bánh nguội trong khuôn khoảng 30', sau đó bỏ bánh ra khỏi khuôn.

- Bánh có thể bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh 1-2 ngày.


Chúc bạn thành công ^.^


Friday, 25 April 2014

BÁNH KHÚC

Bánh khúc hay Xôi khúc thực ra ko phải là một món ăn yêu thích của mình, bởi vốn ko mấy mặn mà với đồ nếp. Mình chỉ có thể nhớ về món ăn dân dã này với một chuỗi những kỷ niệm rời rạc. Nhà mình ở Hanoi nằm trong một con ngõ nhỏ, sân nhà rợp bóng cây, những ngày cuối thu nắng hanh hanh vàng rồi bóng chiều đầu đông đổ xuống lúc nào ko hay. Cái rét đầu đông cũng buồn bã và tê tái lắm. Tiếng rao "Ai xôi nóng, bánh khúc điiii" cứ vang lên rồi chìm vào lặng lẽ. Mình ăn Xôi khúc lần đầu tiên khi mình đã biết đi xe máy, ở gánh hàng nhỏ trước cửa Chợ Đồng Xuân, 5 ngàn một gói, cũng trong một buổi chiều đông mơ hồ như thế.

Thực ra mình cũng chẳng biết gọi là Xôi hay Bánh thì mới đúng, chắc nhiều xôi- ít khúc thì gọi là Xôi khúc, mà ít xôi- nhiều khúc thì gọi là Bánh khúc chăng??? Gọi là món ăn dân dã đúng thật bởi nguyên liệu chính làm nên hương vị của Bánh khúc (thôi mình cứ thích gọi thế nhé) là Lá khúc thường mọc ở ven cánh đồng, bờ đê,... như một loài cỏ, nhất là vào đầu xuân thì nhiều lắm. Có hai loại lá khúc nếp và lá khúc tẻ, lá khúc nếp mập mạp hơn lá khúc tẻ, nhưng lá khúc tẻ để làm bánh thì lại ngon hơn. Để miêu tả vị của Bánh khúc thì thật sự mình cũng ko biết tả như thế nào, có vẻ giống mùi rau ngải cứu nhưng ko hăng bằng... 

Ở xa xứ thật khó có Lá khúc, bạn có thể mua rau Spinach (cải bó xôi/ rau chân vịt) để thay thế nếu mong tìm kiếm một chút lãng đãng như mình, bạn nhé!


BÁNH KHÚC 
{mình dùng rau Spinach hay tên tiếng Việt là Cải bó xôi để thay cho Lá khúc, về mùi vị thì ko đậm đà và thơm bằng nhưng cũng tương đối giống}




* Nguyên liệu
- Thịt ba chỉ
- Đậu xanh cà vỏ
- Bột nếp, bột gạo
- Rau Spinach (rửa sạch, để ráo nước)
- Gạo nếp
- Gia vị, tiêu, muối, dầu ăn

* Cách làm
- Gạo nếp và đậu xanh ngâm qua đêm cho mềm

- Sau đó gạo nếp đem vo sạch, để ráo. 
Đậu xanh hấp chín, nghiền nhuyễn lúc còn đang nóng.

-Thịt ba chỉ thái miếng nhỏ, ướp mắm muối gia vị. 
Phi thơm hành với dầu ăn, và cho thịt vào xào chín.
Đậu xanh sau khi nghiền nhuyễn cho vào xào cùng thịt, nêm gia vị vừa miệng, cho nhiều tiêu. Chú ý lượng dầu (mỡ) nhiều một chút để khi làm nhân đỡ khô, ăn sẽ thơm và ngậy hơn.
Để nguội chút rồi vo đậu xanh và thịt thành từng viên tròn, để làm nhân. 

- Rau Spinach cắt nhỏ cho vào máy xay nhuyễn (chú ý cho lượng nước vừa đủ, đừng cho nhiều). Lọc riêng nước và bã. Giữ lại cả phần nước và bã.

- Trộn bột nếp và bột gạo, thêm 1 chút muối cho đậm đà. 
Tỷ lệ 2 phần nếp : 1 phần gạo, mình trộn vậy bởi dùng bột nếp ko thì bánh sẽ dẻo quá.
Trộn phần bã rau Spinach vào bột. Sau đó dùng nước rau từ từ đổ vào để nhào bột (nước rau nếu dùng ko hết có thể cất tủ đông dùng dần)
Yêu cầu bột mịn vừa, ko khô, ko nhão, ko dính.

- Cho bột nghỉ khoảng 15'

- Gói từng viên nhân "đậu xanh-thịt" bằng bột vừa nhào. Gói kín. Bạn hình dung quá trình giống như gói bánh trôi vậy.



- Lăn từng viên bánh qua gạo nếp. 

- Phủ một lớp gạo nếp bên dưới chõ hấp, đặt các viên bánh lên trên, cứ mỗi lớp bánh lại phủ 1 lớp gạo nếp.



- Hấp bánh trong khoảng 30' 




Bánh khúc phải được ăn khi nóng. Bạn có thể làm nhiều và cất tủ lạnh dùng dần trong vài ngày. Khi ăn đem hấp lại hoặc bỏ vào microway.

Chúc bạn thành công!





Sunday, 20 April 2014

STRAWBERRY DAIFUKU - BÁNH MOCHI DÂU

Daifuku-mochi là một loại bánh rất phổ biến ở Nhật Bản, được làm từ bột nếp với nhiều biến tấu mùi vị khác nhau. Hồi mình ở Việt Nam thì có chuỗi cửa hàng bán bánh Mochi- mà cả nhà mình ai cũng thích ăn ^^ Ôi chao nước Nhật thật là đẹp đẽ trong suy nghĩ của mình :P

Mình làm "Strawberry Daifuku" theo hướng dẫn của Nami- 1 blogger người Nhật hiện đang sống ở Mỹ- thì thấy thực sự làm Daifuku (hay Mochi) ko khó, chỉ khó ở chỗ làm sao để tìm được loại nguyên liệu- nhất là bột nếp thật thật thật ngon thôi :P Nguyên liệu hảo hạng sẽ cho ra một chiếc bánh hảo hạng, vị thơm ngọt, thanh nhã.


STRAWBERRY DAIFUKU - BÁNH MOCHI DÂU
{Cách làm của mình về cơ bản là bám sát công thức gốc của Nami, nhưng mình có thay đổi 1 chút
cho phù hợp. Bạn có thể đọc công thức gốc với hướng dẫn các bước làm rất tỉ mỉ tại đây}


Strawberry Daifuku - Bánh Mochi dâu

* Nguyên liệu
- 8 quả dâu tươi (rửa sạch --> lau khô --> cắt bỏ phần cuống lá)
- 150g đậu đỏ (ngâm qua đêm --> luộc cho thật mềm --> bỏ nước luộc --> nghiền nhuyễn --> trộn với đường và mật ong)
- 120g bột nếp ngon 
- Đường (số lượng tùy khẩu vị)
- Sữa tươi (ít thôi để nhào bột)
- Bột ngô, hoặc bột khoai tây (để bao ngoài bánh, mình dùng thêm cả icing sugar nữa)

* Cách làm
- Gói kín từng quả dâu bằng 1 lớp vỏ ngoài đậu đỏ.

- Trộn bột nếp với đường.

- Nhào bột với sữa tươi. Đổ sữa tươi vào từ từ thôi nhé, vừa đổ vừa nhào, tránh đổ quá tay làm bột nhão. 
Bột mịn, ko được khô, nhưng ko quá nhão.

- Làm bột chín trong microway:
+ Bọc âu đựng bột bằng màng thực phẩm, chọc thủng vài lỗ bên trên để thoát hơi (nhớ là dùng loại âu sử dụng được trong microway)
+ Cho vào microway quay 30s, rồi lấy ra trộn bột đều lên (dùng dụng cụ bằng silicon để trộn bột, tránh dính bột)
+ Tiếp tục cho vào microway 30s nữa, lại lấy ra trộn đều
+ Tiếp tục cho vào microway 1', lấy ra trộn đều, lúc này bột đã trở nên trong đục
+ Tiếp tục cho vào microway 30s lần cuối cùng
Thời gian và số lần cho bột vào microway tùy thuộc vào lượng bột và công suất microway của bạn. Nói chung cứ cho vào từng thời gian ngắn, đến bao giờ khi lấy ra, thấy bột đã chín, chuyển màu trắng đục là được rồi.
Ngoài ra có thể hấp bột (như hấp cách thủy) khoảng 10'- 12', trong thời gian hấp ko để nước đọng rơi vào bột, và đảo bột ít nhất 2 lần trong suốt quá trình hấp.

- Chuẩn bị sẵn 1 khay phủ lớp bột ngô (mình trộn thêm icing sugar) để làm bột áo cho bánh

- Trong lúc bột nếp còn nóng, đặt bột vào khay, lật đều 2 mặt cho khỏi dính. Và chia khối bột thành 8 phần bằng nhau.

- Nắm 1 chút bột áo trong tay để chống dính. Gói kín từng quả dâu-đậu đỏ bằng lớp bột nếp bên ngoài. Nên gói khi bột còn nóng sẽ dễ gói hơn.

- Vậy là xong.

Lưu ý: Nếu bạn có được loại bột nếp thật ngon thì có thể để bánh trong tủ lạnh qua ngày hôm sau, khi bỏ ra bánh ăn vẫn mềm ngon. Nhưng vì có nhân dâu tươi nên ko nên để quá 2 ngày.
Còn nếu chỉ có loại bột nếp thông thường thì chỉ làm và ăn trong ngày thôi bạn nhé. Để tủ lạnh khi bỏ ra bánh sẽ cứng, ko mềm trở lại được.

Chúc bạn thành công!!!



Wednesday, 16 April 2014

BÁNH GIÒ

Đang nghe cái playlist này, tặng cả nhà nghe cùng cho vui, ôi chà toàn bài hay nhỉ!?

Ngày nào lòng tôi đã 
biết vui biết buồn, ôm mối tương tư 
Ngày nào cánh Thiên Đường 
đã mở hé tình yêu là trái táo thơm. 
.... ai nói hộ mình nó thơm như nào với @.@

Lần này là lần thứ 2 mình làm Bánh giò. Lần đầu làm bột đặc, nhân thì do ko có sẵn nên chơi luôn giò sống làm nhân, quả tình là ăn ko được chuẩn lắm.  Lần 2 rút kinh nghiệm roài nói chung trong thang điểm 10 thì "Bánh giò Bà Ann gia truyền đời đầu" phải được... thôi chả dám nói.

Làm Bánh giò ko khó, cũng ko mất nhiều thời gian lắm. Chỉ có vấn đề về vỏ bánh, bột bẹt thôi. Thực tế là có rất nhiều công thức của các blog nấu ăn uy tín, mỗi người lại có 1 tỷ lệ pha bột khác nhau. Tỷ lệ pha bột này chính là tỷ lệ giữa Bột gạo và Bột năng. Có công thức lấy Bột gạo là chính, có cái thì Bột năng là chính, có cái 50-50... vân vân và vân vân... Việc của bạn là lựa ra tỷ lệ nào phù hợp với khẩu vị của bạn mà thôi. 

Với công thức dưới đây của mình, vỏ bánh mềm, ko bít tả là "tan ra trong miệng" có đúng ko nữa. Đối với mình thì cũng tương đối, nhưng có lẽ lần sau mình sẽ thử thay đổi công thức cho dai hơn 1 chút xem sao.


BÁNH GIÒ





* Nguyên liệu (làm được 7 cái Bánh giò)
- 1 lít nước hầm xương 
Mình dùng khoảng 500ml nước luộc gà, rồi pha thêm nước cho đủ 1 lít; bạn có thể dùng nước hầm xương heo; ko đủ thì pha thêm nước.

Thêm 1 điều nữa là định lượng nước này chỉ tương đối thôi, vì mỗi loại bột khác nhau sẽ có độ ăn nước khác nhau, cộng thêm thời tiết mỗi nơi nóng lạnh khác nhau, bột mới, bột cũ... nên trong quá trình làm nếu thấy nhiều nước thì đun thêm, mà ít nước thì cho thêm nước.
- 80g bột gạo (bột Vĩnh Thuận)
- 50g bột năng (bột Vĩnh Thuận nốt ^^)
- bột nêm, dầu ăn, tiêu
- thịt heo băm 
- nấm hương, mộc nhĩ, hành khô
- lá chuối 
Rút từ kinh nghiệm của mình Bánh giò phải gói bằng lá chuối mới đúng vị; nhưng nếu ko có lá chuối bạn có thể thay bằng foil bạc.


* Cách làm
1. Ngâm bột 
- Pha 1 lít nước hầm xương, lọc bỏ xương và cặn. Nêm nếm gia vị nhạt hơn nấu canh. Pha thêm 1 thìa canh dầu ăn.
- Đổ bột gạo và bột năng vào, quấy đều. Rồi để đó, ngâm bột ít nhất 1 tiếng.

2. Chuẩn bị lá gói và nhân

- Lá chuối rửa sạch, trần nước sôi cho lá hết độ giòn mới gói được, xong xuôi phơi khô.
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm rửa sạch, thái nhỏ.
- Trộn thịt heo, nấm hương, mộc nhĩ và nêm nếm hạt nêm, tiêu, hành khô.
Bạn có thể làm chín nhân trước bằng cách xào, hoặc hấp. Tớ thì để nhân sống, vì nghĩ rằng để nhân sống khi hấp bánh nước từ nhân thịt ra sẽ làm bánh thơm và ẩm hơn (đấy là tự nghĩ thế :P chả bít có đúng k nữa)

3. Đun bột trên bếp
- Sau khi ngâm bột đủ thời gian thì bật bếp ở mức lửa to vừa. Vừa đun vừa quấy. 1 lúc nhanh sau đó bột bắt đầu đặc lại là tắt bếp. 

- Lúc này có thể dùng tay quấy cho bột đều mịn, nhưng làm vậy chắc hơi mỏi tay đấy, bạn dùng máy đánh trứng- que xoắn đánh cho bột mịn đều.

- Như mình đã nói ở trên, lúc này nếu bạn thấy nhiều nước thì chỉ việc đun lâu hơn. Còn thấy bột đặc quá, thiếu nước thì chế thêm nước sôi vào nhé.

- Yêu cầu là bột mịn, ko vón cục, độ đặc và dẻo vừa phải thôi. Làm sao mà khi xúc 1 thìa bột lên thấy độ dai vừa phải; chứ như mình lần đầu làm đặc quá, xúc 1 thìa bột lên nó đặc quánh, dính thành 1 dây, dứt bột ra rất khó. 
Nói chung ở khâu này bạn cứ phải làm 1 vài lần, rồi tự rút ra độ bột vừa hợp với mình, chứ tả ko thì cũng khó, mà khẩu vị mỗi nhà lại khác nhau nữa.

- Để bột bớt nóng 1 chút thì khi gói ko nóng bỏng tay, chứ còn thì phải gói bánh khi bột còn nóng ấm nhé bạn.

4. Gói bánh
- Lau sạch lá chuối (dùng foil bạc nếu ko có lá chuối)
1 nửa cái lá chuối dài mình cắt làm 3 phần, gói được 3 cái bánh, chiều dài mỗi phần khoảng 30cm. 
Vì mình ko có nhiều lá chuối nên chỉ gói 1 lớp lá chuối, bên ngoài bọc màng thực phẩm cho chắc khi hấp

- Quết dầu ăn lên mặt lá gói bánh, để chống dính
- Bắt lá để gói bánh hình chóp rất dễ nhé:

(hình minh họa chụp bằng fone )

- Đổ 1 thìa bột vào, sau đó tiếp 1 thìa nhân, cuối cùng là 1 thìa bột. Sao cho bột bao phủ kín nhân bên trong.
- Gói kín bánh bằng cách gập từ bốn phía.
Nếu có lạt thì buộc bằng lạt. 
Ko có thì làm như mình: sau khi gói lá chuối xong dùng màng thực phẩm bọc kín lại cho chắc.

Nghe tả thì có vẻ khó hình dung, nhưng thực ra khi làm bạn sẽ thấy rất dễ, rất thuận tay, nên đừng lo nhé ^.*

5. Hấp bánh

- Hấp bánh trong vòng 20'-35' tùy bánh to, nhỏ

Bánh giò có thể giữ trong tủ lạnh vài ngày bỏ ra ăn vẫn ngon. Lúc nào ăn thì lấy ra hấp, hoặc bỏ vào microway. 

Chúc bạn thành công nhé!!!

Monday, 7 April 2014

BÁNH DÀY ĐẬU- BÁNH DÀY GIÒ

Thế là tròn 1 năm mình sống xa thật xa nhà, trước Hanoi- Saigon thì véo 1 cái là giải quyết được roài. 1 năm qua vui vẻ tận hưởng cuộc sống bình yên mới mẻ mà ngày nào cũng tự hỏi Ko biết giờ này ở nhà mọi người đang làm gì... Ko biết Saigon hôm nay nắng hay mưa...!? Ôi, gia đình và tuổi thơ, khi đi xa rồi lúc nào cũng nhung nhớ, cũng dai dẳng tiếc nuối! Nếu bạn đã từng xa quê hương chắc bạn cũng hiểu cảm giác này "Bầu trời ở nơi đây chẳng giống bầu trời nơi ta thương nhớ"
2 hôm trước nhớ quá ngày bé ở với ông bà ngoại, sáng nào bà đi chợ về cũng mua cho rất nhiều đồ ăn vặt, có khi là bắp ngô, khi là túi bỏng, rồi thì cái bánh đa kê, bánh dày, bánh giò,... đủ cả. Mình ko thuộc Đạo bột nên chẳng bao giờ thích ăn bánh dày, toàn móc giò ăn ko, ko thì ăn bánh dày nhân đậu vậy.

Thôi ngày tháng còn dài, chẳng nói "giá như" nhiều ko lại khóc mất. Nhân ngày Giỗ Tổ sắp đến rồi, công thức bánh dày đây ạ, ai ko xa nhà thì làm ăn chơi chơi- rồi tưởng nhớ vua Hùng, nhớ anh Lang Liêu; ai mà như mình thì cứ mần... cho ra ve ra vẻ í mà.


BÁNH DÀY NHÂN ĐẬU- BÁNH DÀY GIÒ
{Ở công thức này mình học cách pha bột bằng nước cam và sữa tươi của chị Mulan- Bếp nhà. Pha vậy làm bột thơm mềm hơn rất nhiều so với pha bằng nước ko}



* Nguyên liệu:
- 400g bột nếp (mình dùng 1 gói bột Vĩnh Thuận 400g, làm được khoảng 25 cái bánh)
- 20g bột gạo
- 1 nhúm muối nhỏ
- 2 cups Nước, 1 cup nước cam vắt (1cup= 237ml)
Định lượng này tương đối thôi nhé bạn vì mỗi loại bột có lượng hút nước khác nhau, rồi bột mới, bột cũ...bla bla các yếu tố xung quanh nữa.
- 1 tý xíu sữa tươi
- 200g đậu xanh cà vỏ
- Đường, bơ, hành lá

* Cách làm:
1. Chuẩn bị đậu và bột
Mình làm từ tối hôm trước, nếu ko thì bạn nên chuẩn bị trước khi làm khoảng 2-3 tiếng.
- Ngâm đậu xanh cho nở, để qua đêm.
- Trộn bột nếp + bột gạo + 1 nhúm muối nhỏ.
- Nước + nước cam đổ từ từ vào bột.
Đổ từ từ thôi nhé, vừa đổ vừa nhào bột. Phải rất cẩn thận khâu này, vì nhiều khi cứ nghĩ là thiếu nước, nhưng nhào 1 lúc là vừa. Đổ quá tay 1 chút là bột thành nhão ngay. Nhào kỹ đến khi bột mịn, cảm giác ko nhão, ko dính tay là được.
Đậy kín, để chỗ mát mẻ qua đêm.

2. Chuẩn bị nhân bánh
- Đậu xanh đem hấp chín (hoặc nấu, tùy), rồi giã nhuyễn.
- Số đậu xanh sau khi giã mình chia làm 3 phần:
      1 phần làm nhân ngọt: Trộn đậu xanh + dầu ăn + đường.
      1 phần làm nhân hành: Phi thơm hành lá xắt nhỏ với bơ trên bếp, trộn đậu xanh và nêm nếm đường, muối cho đủ độ mặn ngọt.
      1 phần còn lại để rải trên đĩa cho nhanh khô, dùng làm phần phủ bên ngoài bánh
- Vo đậu xanh làm nhân thành từng viên nhỏ.

3. Nặn bột
- Cắt lá chuối (hoặc foil bạc) thành miếng vuông nhỏ vừa với từng chiếc bánh, quết dầu để chống dính.
- Cho thêm 1 tý xíu (1 tý xíu xíu xíu thôi nhé :|) sữa tươi vào bột ủ từ hôm trước, nhào sơ lại.
- Bột mình cũng chia thành 3 phần:
      1 phần làm bánh dầy giò (tức là bột ko, ko có nhân j cả)
      1 phần làm bánh dày nhân đậu ngọt
      1 phần làm bánh dày nhân đậu hành
- Nặn bột thành từng viên tròn. Có thể cho 1 chút dầu ăn vào tay để bột khỏi dính tay nhiều.
Ấn dẹp viên bột, cho nhân đậu vào giữa và gói bột cho khít, giống cách nặn bánh trôi vậy đó (Phần bánh dày giò thì xin miễn khâu này)
Ấn cho bột hơi lõm ở chính giữa.
Đặt vào miếng lá chuối (hoặc foil bạc) đã chuẩn bị sẵn.

4. Hấp bánh
- Đặt bánh vào vỉ hấp. Hấp khoảng 10'
- Trong quá trình hấp nhớ thỉnh thoảng mở vung nồi cho dóc nước, tránh làm hơi nước đọng rơi vào bánh.

5. Hoàn thành



- Với bánh dày giò thì hấp xong để nguội, kẹp giò vào và chén thôi [Công thức làm giò xin để bài sau ạ :P]
- Bánh dày nhân đậu, khi hấp xong, bánh còn nóng, lăn bánh qua đĩa đậu xanh chuẩn bị trước để tạo lớp đậu xanh phủ ngoài bánh.
Nếu lớp giấy bạc dính ở dưới đáy thì chờ 1 chút bánh nguội bớt sẽ dễ dàng bóc ra.
- Bánh có thể để tủ lạnh ăn dần trong vài ngày, khi ăn làm nóng trong microway 30s.


Vậy thôi đó, chúc các bạn ngon miệng nhé ;)