Friday, 21 November 2014

GREEN TEA LATTE

Vài cái chợp mắt nữa là hết năm, đôi cái tiếp nữa là đến Tết, càng lớn lên càng thấy thời gian trôi nhanh phỏng ko nhỉ!? Dạo này mình đi suốt, cả tuần rồi có đúng hôm nay quyết tâm ở nhà cả ngày, thế mà cũng bao nhiêu việc phải sắp xếp đấy - ghê gớm lắm chứ ko phải đùa. Tuần sau mình đi nghỉ nguyên cả tháng luôn, mải miết "ăn chơi" ko biết là có update được gì trên này ko nữa keke...

Tháng trước mình mới mua cái Frother, thực ra cũng chả có nhu cầu nhưng tại ngứa chân ngứa tay  :( hic , nhà lại đang sẵn bột trà xanh nên làm Green Tea Latte luôn.
Frother mình mua là 1 loại máy đánh cầm tay nhỏ, đánh bông, tạo bọt cho sữa, làm latte, cappuccinos, hot chocolate, milkshake, đánh bông khi làm meringue, làm salad dressing,....bla bla blalalala --> nguyên văn quảng cáo :)) 

Mình mua loại này ở Lakeland  ; tuy nhiên ở IKEA hoặc Amazon cũng bán với giá mềm hơn rất nhiều :P



GREEN TEA LATTE
{theo Nami}




* Nguyên liệu
- 1tsp bột trà xanh (matcha powder)
- 2tbsp nước ấm nóng (nước nóng già, chứ ko phải nước sôi nhé :))
- 1cup sữa
- xíu đường (tùy khẩu vị)

* Cách làm
- Rây bột trà xanh vào cốc, để bột được mịn, tránh bị vón cục
- Cho nước ấm nóng vào và khuấy đều đến khi bột trà xanh tan hết.
Mình dùng Frother để đánh tan bột trà xanh, nếu bạn ko có thì cũng ko sao. Tuy nhiên lưu ý rằng bột trà xanh khá là khó tan.

- Đun nóng sữa ở trên bếp. Cho đường vào sữa, tùy khẩu vị. 
Ko đun sôi sữa mà chỉ đun đến khi xung quanh viền nồi sủi bọt nhẹ là tắt bếp ngay.
- Dùng Frother đánh sữa đến khi nổi bọt như ý muốn. Nếu bạn ko có Frother thì bỏ qua bước này.

- Đổ sữa ấm vào cốc trà xanh đã chuẩn bị từ đầu 
- Có thể rắc chút bột trà xanh lên trên để trang trí


Chúc bạn cuối tuần vui vẻ ^.^


Wednesday, 12 November 2014

MỨT GỪNG

Một mùa đông lại zò zẫm đến rồi đây.
Tròm trèm 2 năm sống xa nhà, chưa thành được một người phụ nữ "chín chắn" như mong ước thân phụ gửi gắm lúc khăn gói quả mướp lên đường, mà lắm lúc vẫn sôi sục như một "mụ lắm điều"; ngẫm lại xấu hổ ghê há...
Mùa đông xám ở nơi xa lạ không mang lại bất kỳ ưu tư nào, có chăng chỉ là đi thoáng qua nhau những tâm hồn lạc điệu. Ở quê em gọi là "lệch sóng" ạ @.@  Những tháng ngày mãi đọng trong tâm trí là những ngày không trở lại, là những mùa gió buốt của tuổi thơ. Những ngày trước, có thể là nhiều năm trước, đúng là cuộc sống phải chắt chiu nhiều nên cái dư vị của sầu đông nó mới tái tê đến thế. 
Thế là mùa thu buồn man mác, đông đến lại buồn thảm thê, suy ra cả năm buồn hết nửa. Đấy muốn đi bắt coan "nghệ thụt", muốn làm "gừng sĩ" thì phải thế nhé, phải vui ít, buồn nhiều, hay nói nhảm kaka...

Nói về chủ đề chính hôm nay là MỨT GỪNG, mỗi lần uống trà nhấm nhấm 1 tý xíu, ngọt ngọt mà cay cay, dư vị một mùa đông thơm nồng trên đầu lưỡi, ấm sực từ cổ họng đến cả ruột gan bên trong.
Mình làm Mứt gừng theo 2 kiểu, 1 là kiểu truyền thống từ xưa đến giờ, 2 là Mứt gừng dẻo. Kiểu 1 thì khỏi miêu tả nhé. Cái thứ 2 thì nó ẩm chứ k khô như kiểu truyền thống, dẻo dẻo, nhiều đường hơn nên ăn ít cay hơn xíu. Cách làm Mứt gừng dẻo ko khác Mứt gừng truyền thống mấy, nên mình sẽ ghi ở phía cuối bài.



MỨT GỪNG





* Nguyên liệu
- 1kg gừng tươi (chọn củ nhánh to, non thì sẽ ko có xơ, ít cay hơn củ già)
- 600g đường 
- chút muối, chút nước chanh hoặc giấm trắng 

* Cách làm
- Gừng gọt sạch vỏ, sửa sạch, thái lát dầy khoảng 1mm

- Ngâm gừng trong nước muối nhạt khoảng 1h

- Vớt ra, xả qua nước lạnh đến khi nước trong

- Bỏ gừng vào nồi, đổ ngập nước, luộc sôi khoảng 4'-5', đổ ra xả nước lạnh

- Lặp lại việc đun sôi gừng thêm 1-2 lần tùy ý muốn
Bước luộc sôi gừng làm giảm độ cay của gừng, nên việc luộc bao nhiêu lần phụ thuộc vào việc bạn muốn gừng cay cỡ nào. Thường mình chỉ luộc tổng cộng 2 lần.

- Ở lần luộc cuối cùng, cho vào nồi chút nước chanh (hoặc giấm) để làm gừng trắng hơn.

- Vớt gừng ra để khô, ráo nước hoàn toàn

- Trộn đều gừng với đường, ngâm để qua đêm 

- Sên gừng và đường trong một cái nồi hoặc chảo to, đế dầy, lửa to
Đến khi đường bắt đầu bốc hơi gần hết, cô đặc lại thì hạ nhỏ lửa hơn, đảo liên tục để gừng ko bị cháy.
Lưu ý khi đường bắt đầu kết tinh thì hạ lửa thật nhỏ, đảo liên tục, lúc này gừng rất dễ bị cháy
Tiếp tục sên, dùng đũa để gỡ và trải phẳng từng miếng gừng, tiếp tục sên đến khi gừng khô hoàn toàn.
Công đoạn sên gừng ko khó, nhưng mất khá nhiều thời gian. Mình làm khoảng 1.30-2 tiếng

- Để gừng nguội hoàn toàn rồi bảo quản trong lọ kín.



* Cách làm Mứt gừng dẻo
Không khác gì cách trên, chỉ có một số lưu ý sau:
- Thái miếng gừng thật mỏng, càng mỏng càng tốt

- Dùng nhiều đường hơn. Ví dụ ở công thức trên mình dùng tỉ lệ 1gừng:0.6đường. Để làm Mứt gừng dẻo bạn dùng nhiều đường hơn, có thể là 1gừng:1đường hoặc 1gừng:0.8đường.

- Ở công đoạn sên gừng, nếu muốn rút bớt thời gian thì ko cần đun để nước đường bốc hơi hết. Mà  đun sôi rồi chắt nước đường riêng ra rồi sên tiếp. Phần nước đường này có thể dùng làm siro gừng (tuy nhiên mình thấy nó hơi quá ngọt, nên chẳng dùng)

- Sên đến khi nào cảm thấy miếng gừng khô se se lại, đủ độ dẻo thì dừng.


Chúc bạn một mùa đông ấm áp ^^







Friday, 26 September 2014

BỎNG NGÔ CHOCOLATE- HẠNH NHÂN

Dạo trước tuần nào cũng cứ 2 buổi trưa ăn ở Pret- tiệm caffe tiện trên đường đi. Mình nghiện món Bánh mì bọc lá rong biển và Popcorn bar ở đó. Nhưng thôi giờ đây rong biển thấy ko còn bán nữa, mà popcorn ngọt ngào ơi cũng đành giã biệt em, tại đang... gầy quá.
Mình mê đồ ngọt khủng khiếp, nhớ ngày bé ở nhà cứ hở gói kẹo ra là ngày một ngày hai hết sạch. Cuối tuần rồi cũng kì cạch làm Popcorn bar xem thế nào. Đây là đang nói chuyện đam mê nhé, làm vì tò mò nữa, chứ còn giờ là ko ăn đồ ngọt rồi keke :P

Popcorn bar cũng như Bỏng ngô- Bỏng mật ở nhà, có nhiều vị như là mật, caramel, chocolate,... thích gì thì trộn vào cùng bỏng, miễn có độ kết dính là được. Bước tiếp là cho vào khuôn, để tủ lạnh cho đông lại là xong. Mình mua bịch ngô ở siêu thị về tự nổ. Loại bỏng này mềm, chứ ko giòn như bỏng gạo ở nhà. 

Làm xong chồng lại chụp cho cái ảnh đến là đẹp, mình liên tưởng ngay đến những nốt nhạc buồn. Có phải trong film mấy người buồn tình xong hay ngồi nhà vừa ăn popcorn- hoặc đồ ngọt các kiểu vừa khóc khóc mếu mếu ko nhề. Sự thật là khi buồn người ta hay có xu hướng ăn đồ ngọt. Thật!!! Thề luôn!!!



BỎNG NGÔ CHOCOLATE- HẠNH NHÂN  




* Nguyên liệu
- 80g popcorn chưa nổ (tự nổ bỏng hoặc mua sẵn tùy nhé)
- hạt hạnh nhân, giã nhỏ (làm cho thanh bỏng giòn hơn)
- 300g milk chocolate  
- 25g bơ hoặc dầu (mình sử dụng dầu dừa)

- 1 âu (thủy tinh, inox,.. chịu được nhiệt) và 1 cái nồi 
Lựa âu có đường kính lớn hơn miệng nồi. Sao cho khi đặt âu lên khít miệng nồi. Mục đích để  làm chảy chocolate, và nước/hơi nước ko dính vào chocolate

- khuôn (mình sử dụng khuôn khoảng 20*30)
- giấy lót để lúc lấy ra dễ hơn (có thể dùng parchment baking paper, foil bạc, màng bọc thực phẩm,....)


* Cách làm
- Lót giấy cho khay.

- Nếu mua bỏng về tự nổ thì chỉ việc làm theo hướng dẫn ở bao bì. Mình nổ trong microway 3'
Bỏ phần "mày ngô" ở từng hạt bỏng. Khi ăn sẽ ngon hơn.
Trút bỏng vào âu to, để lát trộn cho dễ.

- Chocolate bẻ thành từng miếng nhỏ. Bỏ vào âu, đặt lên nồi nước, đun giống như đun cách thủy.
Khuấy đều chocolate trong âu, cho bơ hoặc dầu vào khuấy. Khi tất cả quyện, tan đều thì tắt bếp.
Chú ý là ko đun quá lâu, ko để cho chocolate bị sôi, hoặc bị nước vào.

Nguồn: Internet
- Đổ chocolate chảy vào bỏng, trộn đều.

- Cho hạt hạnh nhân vào trộn cùng.

- Trút bỏng vào khay. Dùng thìa nén cho bỏng chặt và dàn đều.

- Để bỏng trong tủ lạnh đến khi chocolate khô, đông lại (khoảng 1h)

- Mình trang trí thêm 1 chút chocolate trên mặt bỏng: Sau khi bỏng đã đông lại trong tủ lạnh. Lấy bỏng ra. Dùng 1 chiếc dĩa nhúng vào chocolate chảy để trang trí, tạo hình trên mặt bỏng theo ý muốn. Cho lại vào tủ lạnh đến khi lớp chocolate mới đông lại.

- Vì đã lót giấy trong khuôn nên sẽ lấy ra rất dễ dàng. Dùng dao sắc cắt bỏng theo ý muốn.


Chúc bạn cuối tuần ngọt ngào ^.*







Monday, 22 September 2014

GÀ NƯỚNG TỎI

Sau một thời gian dài dễ dãi với bản thân, ăn uống xả láng thì đương nhiên là giờ phải trả giá. Đời người con gái "cơ địa phức tạp" khổ thế đấy :(
Hồi nhiều tháng trước mình mua cuốn "Low carb revolution" trong tiệm sách đại hạ giá, mua xong về cất tủ, giờ mò ra đọc ngấu nghiến, nuốt từng chữ... ôi xời đúng là cẩm nang khai sáng loài người. 
Nói về Low carb thì chắc nhiều người biết rồi. Nôm na là Ko đường, Ko tinh bột,... vại đó... Mình ko ăn Low carb, nhưng theo đó mà sắp xếp ăn uống cho khoa học hơn, "healthy" hơn. Ăn gì, uống gì là nó thể hiện trên da mặt, cân nặng,vòng eo, bắp tay,... ngay đó. Nói gì thì nói tôi đây cũng sắp lên tới đỉnh dốc, chả mấy chốc mà sang bên kia sườn rồi huhu. 
Ngoài việc điều chỉnh ăn cái gì, uống cái chi, mình cố gắng đến phòng tập 3 buổi/ tuần. Là người cực kỳ sùng "đạo tập tành", nhưng máu lười ngấm lâu quá rồi, phải có người hàng ngày thúc giục, đá vào cái mông ý thì mới được... 




GÀ NƯỚNG TỎI
{ý tưởng dựa theo Low carb revolution}




* Nguyên liệu:

- Gà (mình sử dụng đùi gà)
- Dầu ăn (dầu olive- một lượng vừa phải)
- Chanh thái lát
- Tỏi băm nhỏ
- Lá Thyme thái nhỏ
- Muối, Hạt tiêu

* Cách làm:
- Ướp gà với dầu olive + chanh + tỏi + thyme  
Có thể cho tất cả vào 1 cái túi để trộn và ướp, như vậy sẽ dễ để trộn đều và mát- xa nhẹ từng miếng gà cho ngấm.
- Ướp ít nhất 30', hoặc để qua đêm, thời gian ướp càng lâu thì gà càng ngấm mùi vị.
- Bật lò trước 10' ở nhiệt độ 220độC
- Bỏ gà ra khay nướng, mặt có da ở phía trên, rắc thêm chút muối và tiêu
- Nướng trong khoảng 30' 

- Khi ăn tùy khẩu vị có thể rưới thêm chút nước chanh lên trên.



Chúc bạn khỏe, đẹp và ngon miệng hén ^.^






Wednesday, 17 September 2014

BLACK BEAN CHILLI - Đậu đen nấu ớt


9h sáng, 14 độ, mưa và sương mù... 
Phố trung tâm hôm nay độc người là người. Loa đài ông ổng Yes, No, No, No, No...suốt cả ngày. Thấp thoáng có cô gái tóc đen nhỏ bé lẫn trong dòng người hối hả. Thực tế là cả ngày chẳng có nổi một ánh mặt trời, và cô gái đi trong sương mù kia đang chạy thục mạng để kịp chuyến xe bus chực lăn bánh.
Bạn có công nhận rằng những ngày xấu trời ta chỉ mơ về cánh cửa bình yên, nơi mà đằng sau đó là hơi ấm từ lò sưởi và... một cái bụng đang đói meo :( Trở về nhà lúc 3h chiều, cô nàng tự đãi bản thân bằng một chút "Đậu đen nấu ớt" làm từ hôm trước... tạm ổn :D

"Black bean chilli"- tên gọi của món ăn, thực ra mình cũng ko tìm hiểu quá kỹ, tình cờ đọc trên mạng, thấy hứng thú, thế là làm. Có lẽ đây là một món Ấn độ, bởi mùi vị rất đặc trưng. Được nấu bằng đỗ đen, khoai lang, ớt, và vài loại gia vị đặc biệt. Tinh bột giúp lấy lại năng lượng, vị cay giống cà- ri vực lại nhiệt độ và sự cân bằng, một chút bùi bùi thơm thơm từ dầu dừa, khoai lang và quả bơ... hấp dẫn và dễ chịu. Ăn riêng hoặc ăn kèm với gạo Basmati, hoặc Cream fraiche, sour cream,... 
Một hương vị lạ, đến từ một nền ẩm thực khác biệt. Một món ăn nhanh, đơn giản, khá phù hợp với ngày mưa lạnh và bận rộn. Nếu bạn cảm thấy tò mò thì tại sao ko thử!? 


BLACK BEAN CHILLI  -  {tạm dịch là ĐẬU ĐEN NẤU ỚT}





* Nguyên liệu  (3-4 suất ăn)
- 1tbsp coconut oil (dầu dừa)
- hành & tỏi băm nhỏ
- 1tsp oregano khô
- 1tsp cumin 
- 1tsp bột paprika 

- 3 quả cà chua, cắt nhỏ
- 1 củ khoai lang, cắt nhỏ vừa, tùy ý
- 200ml nước
- 1tbsp bột cocoa không đường

- 2 nắm tay đỗ đen (ngâm trước ít nhất vài tiếng)

- rau mùi và quả bơ để trang trí và ăn kèm

Lưu ý: Các gia vị tuy ko phổ biến trong món ăn Việt nhưng mình xem trên mạng đều thấy có bán ở Việt Nam. 
Coconut oil- dầu dừa. Bạn có thể thay bằng dầu olive. tuy nhiên dầu dừa mang đến mùi vị hấp dẫn hơn.
Bột paprika: nếu ko có, có thể thay bằng ớt khô, tương ớt.
Tạm dịch: oregano- lá kinh giới cay; cumin- thì là Ai cập; paprika powder- ớt bột paprika



* Cách làm
- Đun nóng dầu dừa, phi thơm hành và tỏi
- Cho các gia vị (oregano, cumin, paprika) vào đảo cùng, đến khi dậy mùi thơm
- Cho cà chua, khoai lang, nước, và bột cocoa vào đun trong khoảng 5'
- Cho đỗ đen vào đun cùng trong khoảng 15'-20' đến khi mềm là được.
Thêm nước nếu còn ít hoặc nước cạn. Cân đối thời gian sao cho đỗ đen mềm, mà khoai ko quá nhừ.

- Khi ăn trang trí bằng vài nhánh rau mùi, và vài lát bơ (quả bơ)

- Ăn kèm gạo Basmati, kê, hạt quinoa, cream fraiche, sour cream,...bất cứ cái gì bạn thích.


Enjoy :)







Friday, 12 September 2014

VỎ HOÀNH THÁNH/ SỦI CẢO

Thử nghĩ mà xem, chiều thu buồn- sâm sẩm tối, nguyên một ngày bao nhiêu bực dọc, mệt mỏi gì đâu, cái dòng người đông đúc chen lấn kia nhìn đáng ghét quá đi mất :( Quá giờ tan tầm một chút, người đã vãn hơn, tạt vào quán quen xì xụp một bát mì vằn thắn thanh dịu, tự nhiên bao nhiêu khó ở đi đâu hết í nhờ. Bước ra ngoài mà thấy mình cứ như nàng thơ- đẹp và buồn... há há... đấy, thực sự thì "Đời sẽ đẹp khi mình... hơi zở"

Nói chút chọc vui cả nhà thôi. 
Bữa trước mình làm Hoành thánh, thèm quá mà, mua 1 bịch vỏ ở tiệm rồi mà thiếu, ngại đi đi lại lại, nên quyết định tự làm luôn vỏ hoành thánh ở nhà. Cực kỳ đơn giản, ko mất thời gian, và đảm bảo ngon hơn loại mua sẵn (đặc biệt là nếu chiên sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt). 





CÁCH LÀM VỎ HOÀNH THÁNH/ SỦI CẢO






* Nguyên liệu:
- 2 cups bột mì đa dụng  
- 1 quả trứng
- nửa thìa cafe muối
- khoảng 100ml nước 

- bột ngô phủ ngoài, làm bột áo
- mặt phẳng để cán bột
- cây cán bột

* Cách làm:
- Đánh tan trứng, muối, nước với nhau.
- Trộn hỗn hợp trên vào bột.
- Nhào bột đến khi bột thành 1 khối mịn, mềm dẻo; nhưng khô ráo và ko còn dính tay.

Lưu ý rằng lượng nước trong công thức này chỉ tương đối, như mình đã nhiều lần đề cập khi nhào bột, mỗi người sẽ có một định lượng nước riêng, gần như ko ai giống ai. Bạn nên cho từng chút một, thấy đủ nước rồi thì dừng lại, thiếu nước thì cho thêm.

- Bọc kín và để bột nghỉ ít nhất 30'. Bột nghỉ càng lâu thì sẽ càng dai, càng dễ cán bột mỏng.

- Chuẩn bị sẵn mặt phẳng để cán bột, và cây cán bột. Phủ nhẹ một lớp bột ngô trên bề mặt để chống dính.

- Chia bột thành nhiều phần, cán từng phần một. Những phần bột chưa cán đến thì cần bọc kín, để bột ko bị khô.
- Phủ 1 lớp bột ngô bao quanh miếng bột
- Cán mỏng bột. Cán đến khi nào độ mỏng như ý muốn thì thôi
- Chia/ cắt miếng bột thành từng miếng nhỏ theo tỷ lệ tùy thích



- Phủ bột áo cho từng miếng bột vỏ.



Lưu ý:
- Tăng lượng bột áo để chống dính giữa các miếng bột vỏ nếu cần thiết. Đặc biệt là nếu bạn cảm thấy các miếng bột đang mềm dần, và có vẻ dính hơn.
- Nếu chưa dùng ngay lập tức, thì phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 1-2 ngày. Hoặc bảo quản trong tủ đông cho thời gian dài, khi dùng chỉ cần lấy ra trước một lúc, rất tiện.
- Miếng bột vỏ sẽ có độ co giãn tương đối tốt, nên sẽ rất dễ dàng kéo giãn miếng bột, cũng như việc gói nhân.


Chúc bạn thành công ^.^


Monday, 1 September 2014

GOOD MORNING SEPTEMBER!!!

Mình cầm tinh con mèo lười nên ko thể nào "dậy sớm" được. Từ tuần này bắt đầu thời khóa biểu mới nên có lẽ mình sẽ thức luôn từ đêm hôm trước... hic...nghe thấy gớm quá @.@

Gần đây nghe chừng rôm rả về vụ uống chanh, mật ong buổi sáng; công dụng làm đẹp... làm đủ thứ lun...
Nhà mình cũng ngâm sẵn 1 hũ đây ^^

Ta-dahhh!!!


Nhé,
Cách 1: Mỗi sáng, vắt lấy nước nửa quả chanh, 1-2 thìa cafe mật ong, pha với 1 cốc nước ấm.
Cách 2: Ngâm luôn 1 hũ chanh, mật ong như mình đây. 
Chanh rửa sạch, ngâm với nước muối trong 30'. Rửa lại, phơi cho khô. Thái lát mỏng. Xếp vào lọ. Cứ 1 lớp chanh thì 1 lớp mật ong, thêm 1 xíu xiu muối.
Mỗi sáng xúc 3-4 thìa ra cốc, pha với nước ấm. Uống. Xong. Nhanh ko!??? Trời ơi buồn ngủ muốn chết còn  làm chi nhiều cho cực.

Nghệ thuật uống ra sao, uống như nào?
Uống 1 cốc vào mỗi buổi sáng khi mới thức dậy. Có thể uống sau khi oánh răng- rửa mẹt, tuy nhiên "khuyên rằng" nên uống trước khi đánh răng,...
Uống bằng nước ấm. Trong nhiều nền y học, đặc biệt là Ayurveda- y học cổ truyền Ấn Độ và y học cổ truyền Trung Quốc, người ta tin rằng nước lạnh ảnh hưởng đến các acid tiêu hóa trong dạ dày, và tin tưởng vào tác dụng của nước ấm trong tiêu hóa.
Không uống cafe, trà ít nhất 30' sau đó.
Không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.

Điều quan trọng nhất thì cho xuống dưới cùng đây. Công dụng của Chanh- Mật ong- Nước ấm vào mỗi buổi sáng là gì?

1. Tăng cường khả năng tiêu hóa: Chanh kích thích gan sản xuất mật; hỗ trợ thêm các acid, giúp hệ thống tiêu hóa thải ra các độc tố. Mật ong hoạt động như 1 chất kháng khuẩn chống lại các bệnh nhiễm trùng; sản xuất thêm các chất nhầy trong ruột, hỗ trợ việc thải ra các độc tố.

2. Làm sạch dạ dày, cải thiện chức năng của đại tràng: Các thức ăn ko tiêu, tế bào và vi khuẩn chết có xu hướng phủ thành 1 lớp trong dạ dày- đây được coi là sự tích tụ các độc tố hoặc "ama" trong dạ dày của chúng ta- gây ra bệnh tật, biểu hiện cơ bản như đầy hơi,... Việc uống chanh mật ong được coi như cách làm sạch dạ dày, đại tràng, tống xuất các độc tố, giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn.

3. Chống lại chứng táo bón: Đây được coi là phương thuốc hữu hiệu, gần như hiệu quả tức thì cho những ai bị táo bón. Sản xuất thêm chất nhầy, hydrate hóa, truyền nước vào phân khô. Kích thích ruột, giúp cho việc đi ngoài dễ hơn.

4. Làm sạch Hệ bạch huyết: Thiếu nước và các chất lỏng cần thiết trong Hệ bạch huyết khiến bạn cảm thấy mất ngủ, mệt mỏi, chậm chạp, các vấn đề về huyết áp,... Lợi ích của việc uống chanh, mật ong vào buổi sáng là làm ẩm toàn bộ hệ thống bạch huyết, nó sẽ ko chỉ đánh bại các triệu chứng trên mà còn tăng khả năng miễn dịch.

5. Tăng khả năng miễn dịch: Chanh giàu Vitamin C, Acid ascorbic tìm thấy trong chanh đã được chứng minh có tác dụng chống viêm, được sử dụng trong bệnh hen suyễn, các triệu chứng hô hấp, tăng cường khả năng hấp thu sắt- cái mà đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch. Chanh cũng chứa "saponin" có tính kháng khuẩn, giúp chống lại cảm lạnh và cúm. Chanh đồng thời làm giảm lượng đờm do cơ thể sản xuất. 

6. Cung cấp năng lượng, cải thiện tâm trạng: Mật ong cung cấp năng lượng tức thời, chanh kích thích các enzyme trong dạ dày, nước cung cấp máu cho não. Ngoài ra, hương vị của chanh và mật ong được coi như 1 phương pháp thư giãn tự nhiên.

7. Làm sạch đường tiết niệu, lợi tiểu: Mật ong là chất kháng khuẩn rất tốt, đánh bại được 1 số nhiễm trùng thông thường, kết hợp với chanh và nước trở thành phương pháp lợi tiểu hữu hiệu, làm sạch đường tiết niệu. Citric và acid Ascorbic trong chanh giúp cân bằng độ pH trong cơ thể. 

8. Cải thiện sức khỏe răng miệng: Acid chanh kết hợp với các đặc tính của mật ong giúp giảm hôi miệng gần như ngay lập tức. Làm sạch miệng, kích thích tuyến nước bọt, giết chết các vi khuẩn gây hại; tẩy vi khuẩn và phân hủy thức ăn thường có trong miệng và cổ họng chúng ta vào sáng sớm. Ngoài ra, nó còn loại bỏ phần trắng trên lưỡi, góp phần cho hơi thở thơm tho hơn.

9. "Tăng cơ hội" giảm cân: Ngoài thuộc tính tẩy rửa dạ dày, chanh còn có 1 thành phần gọi là "pectin" - 1 loại chất xơ - giúp cho cảm giác ko thèm ăn. Hỗn hợp này cũng tạo ra 1 môi trường kiềm trong dạ dày, giúp giảm cân nhanh hơn. 

10. Giúp làn da mịn màng: Ngoài những tác dụng trên, hỗn hợp này thanh lọc máu, sản xuất các tế bào máu mới, phục hồi, kháng khuẩn, thúc đẩy sản xuất collagen. Thật sự cần thiết cho làn da.


Nôm na là như vậy. Chúc cả nhà ngày một đẹp rực rỡ hơn nhé ^.*











Monday, 18 August 2014

Project "little Moon" : CÁCH NẤU NƯỚC ĐƯỜNG - BÁNH TRUNG THU

"Thời gian như gâu gâu chạy ngoài đồng" ý nhờ!? Thoắt cái mà đã hơn 2 tháng mình bỏ bê bếp núc; thôi ko cần phải nhớ thương gì nữa, mình đã quay lại và xin hứa sẽ "tệ hại" hơn xưa ^^
Để khởi động lại guồng máy ì trệ (chưa lâu lắm) cũng khó thật, bằng chứng là nãy giờ mình ngồi cả nửa tiếng mà ko biết viết gì để hầu chuyện vui cho cả nhà đơi...

Cơn bão Bánh Trung thu đã xuất hiên từ vài tháng trước, tung hoành khắp các blog, group nấu ăn, nhà nhà làm Bánh Trung thu, người người ăn Bánh Trung thu. Mình thì năm nay là năm đầu tiên làm Bánh Trung thu, nên cứ đủng đỉnh theo sau thôi. 
Đợt này mình chỉ làm Bánh nướng - Nhân nhuyễn, vì ko đủ thời gian và điều kiện để làm Nhân thập cẩm, cũng như Bánh dẻo. Nên tất cả các công thức, cách làm mình giới thiệu đều dành cho Bánh nướng nhé :)

Làm Bánh Trung thu hóa ra ko hề khó, nhưng cần được chuẩn bị trước một thời gian, đó là khâu Muối trứng và Nấu nước đường: 
- Nếu bạn muốn làm Bánh Trung thu có nhân Trứng muối, thì cần muối trứng trước khi làm khoảng 1 tháng. Cách muối trứng tại đây (TRỨNG MUỐI)
- Một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để làm Bánh Trung thu đó là Nước đường. Vì vậy khâu này là bắt buộc nhé. Cần làm ít nhất trước 2 tuần.

NƯỚC ĐƯỜNG hiểu đơn giản là nấu đường và nước trong 1 thời gian khá lâu, để sánh lại thành hỗn hợp giống như mật ong. Đây là nguyên liệu quan trọng cho "Vỏ bánh"; quyết định độ ngọt, độ mềm, màu sắc, thời gian bảo quản bánh.
Nước đường quá loãng -> Bột vỏ bánh nhão, ko đứng bánh, bánh ko bảo quản được lâu
Nước đường quá đặc   -> Bột vỏ bánh khô bở, bánh cứng

Nước đường để càng lâu càng sánh, làm bánh càng ngon. Có những người để nước đường đến tận 1 năm, hay 3 năm lận. Nhưng thực ra - nếu ko đủ thời gian thì nấu Nước đường trước 2 tuần là có thể dùng được rồi. 
Mình nấu nước đường cùng lúc với muối trứng, nên đến khi làm bánh là có Nước đường "1..... tháng tuổi".



CÁCH NẤU NƯỚC ĐƯỜNG
{cách làm cơ bản mình tham khảo từ blog nawngthu.wordpress.com}


xung quanh viền lọ có 1 chút bọt trắng nổi lên, ko có vấn đề hay ảnh hưởng gì đến chất lượng cả bạn nhé

* Nguyên liệu
(1) - 100gr đường trắng (có thể dùng đường vàng, đường nâu sẽ cho ra thành phẩm màu đậm hơn)
     - 50ml nước

(2) - 1kg đường trắng (có thể dùng đường vàng, đường nâu sẽ cho ra thành phẩm màu đậm hơn)
     - 600ml nước sôi
     - 1 quả chanh vàng: rửa sạch, bỏ hạt  (có thể dùng chanh xanh)

Ngoài ra các dụng cụ sử dụng, hũ đựng phải được rửa sạch, tráng bằng nước sôi, phơi thật khô. Để tránh nước đường bị mốc.


* Cách làm
- Đun (1) trên bếp, lửa vừa- to. Ko khuấy. Chỉ lắc tròn nồi cho đều. 

- Đến khi hỗn hợp nước đường trên bếp sôi, nổi bọt, và bắt đầu chuyển sang màu caramel
Lưu ý:  Ko được khuấy, khuấy vào là bị lại đường ngay.
          Đun caramel vừa phải. Ở bước này nếu đun caramel quá 1 chút là nước đường sẽ có mùi  khen khét. Hoặc ở bước sau, khi đổ nước sôi vào, hỗn hợp caramel sẽ ko hòa tan ra, mà đóng lại thành 1 tảng ở đáy nồi. Mình làm đến lần thứ 3 mới thành công :(

- Đổ 600ml nước sôi + 1kg đường vào; khuấy nhẹ cho đường tan đều.

- Đun lửa vừa - to cho đến khi hỗn hợp sôi thì hạ lửa nhỏ, hớt sạch bọt. 
Và nhớ là từ bước này trở đi Ko khuấy nữa nhé

- Cho chanh vào đun cùng (ko khuấy, vì nước sôi nên sẽ tự hòa tan đều)
Chanh có thể vắt lấy nước cốt, loại bỏ hạt. Sử dụng nước cốt chanh và vỏ chanh
Hoặc làm như mình là khía quả chanh thành nhiều lát (ko khía rời), bỏ hạt. Sử dụng cả quả chanh.



- Vặn lửa nhỏ đun trong khoảng 45' - 60'. 
Thực tế là mình đun đến 1 tiếng rưỡi mới đạt. Cái này có lẽ do tùy lửa từng bếp.

Cách tốt nhất đó là thường xuyên kiểm tra xem nước đường đã đạt chưa. Kiểm tra bằng cách: Nhỏ 1 giọt nước đường vào 1 bát nước nguội:
+ Nếu nước đường rơi xuống đáy bát, lan ra (bẹt ra) thành 1 hình tròn là đạt. 
+ Nếu nước đường tan trong nước là chưa được, cần đun thêm. 
+ Nếu nước đường rơi thẳng xuống đáy bát, tròn xoe, ko bẹt hay lan ra thì tức là đã đun quá lâu. Lúc này cần cho thêm nước sôi vào và đun tiếp.

- Khi nước đường đã đạt thì vớt chanh ra, để nguội rồi đổ vào lọ.
Lọ phải sạch, khô, được tiệt trùng bằng nước sôi.
Nên dùng cách xúc nước đường cho vào lọ, chứ ko nên đổ thẳng từ nồi. Vì các hạt đường bám trên thành nồi sẽ trôi theo vào lọ, dễ gây ra hiện tượng lại đường.

- Nước đường để nguội hoàn toàn mới đóng nắp. Bảo quản nơi thoáng mát.




---***---
- Nước đường sau khi nguội, sánh đặc như mật ong là đạt.
- Nước đường bị mốc: Nhớ rằng, nếu nước đường đun ko kỹ, bị loãng, ngoài việc giảm chất lượng bánh, còn dễ gây hiện tượng mốc nước đường sau 1 thời gian ngắn. Nếu hiện tượng mốc mới chỉ xuất hiện ít, bạn có thể hớt hết những chỗ mốc, rồi đun lại nước đường. Hoặc nếu cẩn thận hơn thì bỏ đi và đun lại nồi nước đường mới.
- Nước đường sau khi nguội bị cô đặc, cứng lại (do nấu quá nhiều): cho thêm chút nước sôi + chanh và đun lại.
- Lại đường (xuất hiện những tinh thể, hạt đường trong lọ nước đường): cũng cho thêm chút nước sôi + chanh đun lại.


Chúc bạn thành công ^.^





Monday, 2 June 2014

NEM CHUA

Nói đến nem chua thì chắc chắn là nhiều người cũng giống nhà mình- thích ăn lắm. Nhưng nghĩ đến mua ở ngoài cũng cảm thấy hơi ngần ngại nhỉ. Thôi thì lại "muốn ăn thì lăn vào bếp"  :)
Cách làm nem chua ko có gì là thần thánh hết. Bạn hiểu đơn giản là Nem chua được làm từ thịt heo hoặc thịt bò sống, ướp cùng gia vị rồi để lên men chín trong vài ngày (2-3 ngày) 
Bản thân mình ko khuyến khích ăn đồ chưa qua nấu chín, tuy nhiên nếu được chế biến cẩn thận tại nhà và có nguồn nguyên liệu yên tâm thì thỉnh thoảng cũng có thể làm để vợ chồng lai rai 1 chút ^^

NEM CHUA



* Nguyên liệu
- 500g thịt nạc heo (hoặc thịt nạc bò). 
- 150g bì heo 
Nếu cho nhiều bì heo quá thì nem bị cứng, mà cho ít quá thì nem lại ko có độ giòn.
Mình mua bì heo sống, chưa chế biến. Tuy nhiên tại các chợ Châu Á có bán loại bì heo đông lạnh/ bì khô, đã chế biến và thái sẵn.
- Đường
- Nước mắm, bột nêm, hạt tiêu, tỏi, ớt
- 1 gói gia vị làm nem chua của Thailand 



* Cách làm
1.  
- Thịt nạc rửa sạch, lạng bỏ hết hoàn toàn mỡ gân.
- Ngâm rửa thịt với nước muối. Phơi và chờ thịt ráo, khô nước.
- Thái nhỏ. Ướp thịt với 1 thìa cà phê hạt nêm + 1 thìa cà phê tiêu + 1 thìa cà phê nước mắm + 3 thìa cà phê đường + 1 chút ớt (mình dùng ớt khô)
Nếu làm nem bằng thịt bò thì ướp thêm 1 chút tỏi.
Ước chừng lượng gia vị ướp thịt nhạt hơn khi nấu ăn hàng ngày, chỉ có lượng đường thì cần nhiều hơn. Lượng mà mình đưa ra ở trên chỉ là tương đối, vì mình nêm nếm theo cảm giác và gia vị ở mỗi nơi cũng sẽ đậm nhạt khác nhau. 
- Để thịt vào ngăn đá tủ lạnh vài tiếng để làm lạnh (đừng để đến mức cứng ngắc thành đá luôn nhé)

2.
- Bì heo cạo rửa thật sạch bằng muối, dấm. Lạng bỏ hết toàn bộ phần mỡ.
- Đun sôi nồi nước với gừng + chút muối. Sau khi nước sôi thì bỏ bì vào đun trong khoảng 3'
- Vớt bì ra, nhúng ngay vào bát nước nguội (đun sôi để nguội), để vài phút rồi vớt ra. 
- Lạng bỏ sạch mỡ còn sót lại. Thái bì thành từng sợi mỏng
Thái bì khi còn ấm nóng sẽ dễ dàng hơn, bì nguội lạnh rồi sẽ cứng và quăn lại rất khó thái.
- Để bì khô ráo nước. Nếu chưa làm nem ngay thì cho bì vào tủ lạnh làm mát.

Bì heo tự chế biến tại nhà, hơi mất công một chút, nhưng đảm bảo và thơm ngon
Nếu bạn sử dụng bì đông lạnh/ bì khô đóng gói sẵn thì vẫn nên luộc qua bằng muối và gừng để loại bỏ mùi hôi.

3.
- Lấy thịt trong tủ lạnh ra, xay nhuyễn. 
Nên nhớ phải xay thịt khi thịt lạnh. Trong quá trình xay cũng nên lưu ý tránh để máy xay nóng quá, làm nóng đến thịt. 
- Trộn thịt đã xay với bì + chút tiêu nguyên hạt giã rối (có hoặc ko, tùy ý) 
- Cho thịt đã trộn vào tủ lạnh, làm lạnh khoảng 1-2 tiếng (có thể bỏ qua bước này nếu bạn ko có thời gian)
- Trộn thịt ở trên với gói gia vị làm nem. Trộn đều và kỹ, đến khi thịt đặc, dẻo quánh.
Gói gia vị này là 1 gói to, bên trong còn có thêm 1 gói nhỏ, màu bạc- là muối diêm, giúp cho quá trình thịt lên men chín. 
Làm theo tỷ lệ cứ khoảng 500gr- 700gr thịt thì dùng 1 gói gia vị đó.

4.
- Gói thịt bằng màng thực phẩm (loại dầy 1 chút nhé). Gói thật chắc tay, để nem ko bị bở.
Hoặc có thể cho thịt vào hộp hoặc khay, bọc kỹ, rồi đè- nén cho thịt thật chắc (tùy ý bạn)
- Gói kín, để không khí ko lọt vào. Để chỗ thoáng mát. Khoảng 3 ngày là ăn được, nếu thời tiết nóng thì có thể chỉ cần 2 ngày.

Nem chua bò
Lưu ý:
- Để đảm bảo vệ sinh, thịt - bì - mọi nguyên liệu... phải được rửa sạch, ngâm muối, phơi cho khô ráo nước.
- Thịt và bì ko được có mỡ. Vì có mỡ có thể sẽ khiến nem bị chảy nước.
- Bạn phải nhớ rằng thịt phải để đông lạnh, bỏ thịt ra khỏi tủ lạnh là làm luôn, xay thịt khi thịt lạnh. Nếu ko nem sẽ ko dai, và có thể bị chảy nước.
- Nhớ rằng phải gói nem thật kín, và chắc tay.
- Sau khi trộn gói gia vị làm nem vào thịt. Màu thịt sẽ trở nên sậm hơn. Nhưng qua vài ngày thịt sẽ có màu tươi trở lại.
- Sau khi gói nem, bạn sẽ thấy nem vẫn còn mềm. Nhưng qua ngày đầu tiên, nem sẽ dần cứng lại.

Chúc bạn thành công!!!











Wednesday, 21 May 2014

TRỨNG MUỐI

Lâu lâu trước, chồng mình được bác sếp cho ổ trứng vịt, chả là nhà bác nuôi vịt nuôi gà, nên thỉnh thoảng bác lại mang trứng đến cho mọi người. Loay hoay mấy tuần liền mình cứ nghĩ làm gì với mấy em trứng vịt này nhỉ, thế rồi quyết định làm Trứng vịt muối. Cái món Trứng muối này làm bánh, ăn với cháo, xào xáo kiểu chi cũng ngon hết á. Nghĩ đến đã lại thèm rồi đây...

Trứng muối có thể làm bằng trứng vịt, trứng gà, trứng chim cút, trứng nhỏ hơn thì thời gian muối ít hơn; tuy nhiên theo lời đồn thì trứng vịt muối là ngon nhất ^^
Thời gian muối trứng vịt vào khoảng 1 tháng. Sau 3 tuần mình thử trứng: trứng cứng, đỏ cam rất đẹp, thơm nhưng vẫn còn hơi tanh mùi trứng 1 chút. Sau 4 tuần muối thì trứng hoàn toàn ko còn mùi tanh trứng nữa, thay vào đó là mùi thơm nhẹ của hồi, quế, thảo quả, rượu gừng,...


TRỨNG MUỐI




* Nguyên liệu
- 10- 15 quả trứng vịt
- 1 hoa hồi
- 1 thảo quả
- 1 miếng gừng
- 1 miếng quế
- 1 thìa canh rượu trắng (mình dùng rượu vang trắng)
- 1 thìa canh đường
- Muối (tỷ lệ 250gr muối cho 1 lít nước)
- Lọ thủy tinh đựng (nên dùng lọ thủy tinh, để tránh bị ăn mòn)

* Cách làm
- Trứng rửa thật sạch, phơi khô (mình rửa bằng xà phòng rửa bát, rửa nhẹ tay nhưng kỹ, để đảm bảo trứng thật sạch)

- Lọ muối trứng cũng phải rửa thật sạch, phơi khô

- Hồi, quế, thảo quả, gừng rửa sạch, rang/nướng cho khô và thơm

- Đun sôi 1 nồi nước, ước chừng lượng nước đủ để trứng ngập hết.
Thả hồi + quế + thảo quả + gừng vào đun trong khoảng 5' cho phai mùi ra nước

- Tắt bếp, hòa tan đường và muối vào nước
Về số lượng muối, bạn hòa muối đến khi bão hòa trong nước. Ước chừng tỷ lệ khoảng 250gr muối : 1 lít nước

- Để nước nguội hoàn toàn, rồi hòa 1 thìa canh rượu trắng vào.

- Xếp trứng vào lọ, đổ nước cùng hồi, quế, thảo quả, gừng vào sao cho trứng ngập hết trong nước.
Nếu có trứng nổi lên, bạn có thể dùng túi ni-long đựng nước bên trong để đè trứng chìm xuống.

- Đậy kín, để chỗ khô ráo... và chờ đợi thôi ^^

trứng sau 3 tuần muối, chụp bằng fone

Lưu ý:
- Lòng đỏ trứng tròn cứng, thơm, ko còn mùi tanh. Về màu sắc thì thực ra tùy từng loại trứng mà có màu đỏ cam, hay màu cam nhạt.
- Bạn nhớ khi muối trứng, mọi thứ phải thật sạch và được phơi khô trước khi sử dụng.
- Lượng muối dùng đến khá nhiều, sao cho muối phải bão hòa trong nước.
- Sau khi hoàn thành thời gian muối 1 tháng, bạn cứ để trứng muối ngâm nước trong lọ như cũ, và dùng dần trong khoảng 3-4 tuần vẫn được, hoặc bạn đập trứng lấy lòng đỏ (bỏ lòng trắng nhé) trộn với 1 chút dầu ăn rồi bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.


Chúc bạn thành công!





Monday, 19 May 2014

SALAD DƯA ƯỚP LẠNH

Trang Blogspot và Facebook nấu ăn của mình vậy là đã hoạt động được 3 tháng, với hơn 15.000 lượt view tại Pano's kitchen nói riêng. Phải nói là mình cực kỳ phấn chấn với con số này- dù cho đương nhiên nó chưa phải là một con số lớn.
Mình muốn các bài viết của mình phải thật sự chuyên nghiệp, đóng dấu style riêng của mình... Chà chà, điều này ko hề dễ nhé. Có thể nói trong 3 tháng qua mình đọc rất nhiều, để khởi đầu từ một tay mơ- làm bánh chỉ đơn giản là trộn các nguyên liệu với nhau- theo một công thức nào đó trên mạng, giờ đây mình có cảm giác đã bắt đầu nắm bắt được một chút chút  ^.* 
Còn style ư!? Phong cách của mình chính là "sến chúa" đó kaka T.T

.....
.....
.....

SALAD MÙA HÈ - SALAD DƯA ƯỚP LẠNH
{Món salad đơn giản khá lạ miệng, vị ngọt mát của quả, vị rau hơi hăng hăng- được wholegrain mustard và walnut oil ngậy bùi hòa quyện một cách tài tình, khiến cho vị giác của bạn được ướp lạnh trong những ngày nóng bức}





* Nguyên liệu
- 1/4 quả dưa hấu vàng (quả nhỏ, lựa quả ngọt. Ở nước ngoài bạn có thể chọn Galia hoặc Honeydew)
- 1/2 quả dưa chuột
- 1 ít rau cải xoong (lựa rau non, hoặc có thể lựa bất kỳ rau gì bạn có)

- 4tbsp wholegrain mustard (mù tạt nguyên hạt, thành phần chính từ hạt Mustard)
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 2tbsp dấm trắng
- 4tbsp walnut oil (dầu hạt óc chó)
- vài giọt nước chanh
- muối, hạt tiêu

* Cách làm
- Dưa hấu gọt vỏ, cắt miếng nhỏ
Dưa chuột gọt vỏ, bỏ phần hạt, cắt miếng nhỏ
Rau ngâm rửa sạch, để ráo nước
--> Trộn cả 3 thành phần trên với 1 nhúm muối nhỏ, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, làm lạnh ít nhất 30'

- Đánh tan đều wholegrain mustard + lòng đỏ trứng gà + dấm + walnut oil  
Nêm 1 chút muối và 1 chút tiêu. Đánh tan đều. Để sang 1 bên   [salad dressing- nước xốt salad]

- Khi nào ăn, bỏ rau quả trong tủ lạnh ra.
Cho vài giọt nước chanh vào phần Nước xốt salad
Trộn nhẹ nhàng phần nước xốt vào phần rau quả.

- Có thể ăn kèm với vài lát bánh mì giòn, chấm cùng nước xốt trên.


Chúc bạn ngon miệng và mát mẻ nhé @.@ 



.

Wednesday, 14 May 2014

BÁNH RÁN LÚC LẮC

Một món ăn vặt đáng yêu, đáng yêu chính ở chiếc bánh nhỏ nhỏ xinh xinh, có viên nhân đậu xanh tròn tròn lúc lắc bên trong. Vâng, Bánh rán lúc lắc (tên gọi khác là Bánh cam lúc lắc) khác với Bánh rán bình thường ở cái chữ "lúc lắc" đó thôi.

Cách làm Bánh rán lúc lắc đương nhiên phải có vài bí quyết nhưng về cơ bản thì ko hề khó, có thể nói là khá gọn và đơn giản. Vỏ bánh được làm từ bột nếp trộn thêm phần nhỏ bột tẻ, nhân bánh là đậu xanh đường sên đặc với nước cốt dừa, lớp vừng thơm phủ kín vỏ bánh.
Nếu có điều kiện bạn có thể tự chọn loại gạo thật ngon, ngâm qua đêm ở nhà rồi mang ra hàng xay chắt lấy bột - đảm bảo chiếc bánh của bạn sẽ ko thua kém gì bánh Gia Trịnh (1 tiệm bánh khá nổi tiếng ở phố Lý Nam Đế- Hanoi). Nếu ko cũng chẳng sao, giống mình, bạn có thể chọn loại bột đóng gói sẵn.

Với công thức mình đưa ra dưới đây vỏ bánh mềm, giòn; để đến hôm sau thì bánh ỉu nhưng vẫn mềm; để qua đến hôm sau nữa thì bánh dai và cứng lại. 
Vì cách làm cũng rất nhanh, nên bạn có thể làm nhiều nhân bánh rồi cất đông đá trong tủ lạnh dùng dần, lúc nào muốn ăn chỉ cần chuẩn bị bột, ăn đến đâu rán đến đó.


BÁNH RÁN LÚC LẮC
{công thức được mình tìm hiểu từ WTT- Baking Challenge 37}



1. Nhân bánh (nên được chuẩn bị từ trước, cho tiện và đỡ tốn thời gian)
- Đậu xanh cà vỏ, vo sạch, ngâm qua 1 đêm cho nở mềm
- Hấp chín đậu xanh, giã nhuyễn
- Trộn đậu xanh đã giã nhuyễn + đường + nước cốt dừa + dừa nạo (nêm nếm độ ngọt cho vừa ý)
Có thể không dùng nước cốt dừa và dừa nạo, thay vì đó bạn sên đậu xanh + đường + dầu ăn.
- Sên khô đặc lại trên bếp
- Vo tròn đậu xanh vừa sên thành từng viên nhỏ, cất trong ngăn đá cho đông cứng.

Lưu ý:
Nhân bánh có thể làm sẵn, vo viên, trữ trong tủ đông dùng dần.
Đây là bước quan trọng, quyết định bánh có "lúc lắc" hay không, về cơ bản các bước làm như trên, nhưng bạn cần lưu ý
- Khi sên nhân bánh phải sên kỹ, sao cho sau khi sên xong, đậu xanh phải tương đối khô, ko được ướt.
- Khi vo viên nhân bánh phải vo chắc tay, để nhân bánh ko bị bở ra
- Phải để nhân bánh đông cứng, đóng đá, khi làm bánh mới gói được bánh và nhân mới lúc lắc, không dính vào vỏ bánh.

2. Vỏ bánh
- Tỷ lệ bột vỏ bánh như sau: 250g bột nếp + 15g bột gạo (bột tẻ) + 3tbsp đường xay mịn + 1 thìa canh dầu ăn.
Thêm bột gạo để tạo độ giòn, nhưng nếu nhiều bột gạo thì lại khiến bánh bị cứng. 
Bạn có thể nhào bột, rán vài cái mẻ đầu và ăn thử. Sau đó tự điều chỉnh tỷ lệ bột sao cho phù hợp. Nếu thấy vẫn cứng thì cho thêm bột nếp (hoặc dầu ăn), hoặc thấy chưa giòn thì cho thêm chút bột gạo, rồi nhào lại.

- Nhào bột bằng sữa tươi không đường. 
Đổ sữa vào từ từ, đổ thành nhiều lần, mỗi lần một chút. Vừa đổ vừa nhào. Đến khi bột mịn đều, ko khô, ko nhão, ko dính tay, cảm giác bột dẻo- dai.
Như mình nhiều lần đã giải thích là mỗi loại bột có độ ăn nước khác nhau, tùy thuộc vào hiệu bột, bột cũ hay bột mới,... Mình đã đọc nhiều công thức, nhào bột nhiều lần, thực sự rất khó để có một tỷ lệ bột : nước cố định và đúng cho tất cả mọi người. 

- Gói kín và để bột nghỉ 30' (làm luôn ko để thời gian nghỉ cũng được)

3. Gói bánh
- Vo bột thành từng viên tròn, to hơn viên nhân một chút.
- Lúc nào bắt đầu gói bánh mới bỏ nhân bánh ra khỏi tủ lạnh.

- Cách gói bánh
+ Hơi ấn dẹp viên bột 1 chút, ko dàn mỏng bột.
+ Đặt viên nhân vào giữa, ấn sâu vào trong viên bột
+ Vuốt cho bột 2 bên phủ kín, đều nhân
+ Vo tròn


Yêu cầu
Vì nhân bánh đã cứng, đông đá nên bạn thoải mái vo, gói bánh dễ dàng
Vỏ bánh phải bao kín nhân, đều (ko được chỗ dầy, chỗ mỏng), phải ôm khít vào nhân, ko được có lỗ hở hay khoảng trống giữa nhân và vỏ. Nếu có khoảng trống, lỗ khí thì khi rán bánh sẽ bị nổ, bánh bị biến dạng, ko tròn.
Nghe thì khó hình dung, nhưng bạn cứ yên tâm, nếu còn khoảng hở giữa nhân và vỏ thì khi tay mình vo tròn bánh- vỏ bánh sẽ tự động bị vỡ ra.

- Lăn đều bánh qua vừng (hay mè, chưa rang). 
- Sau khi lăn bánh qua vừng, vo tròn bánh lần nữa để vừng bám sâu vào lớp bột, ko bị rơi ra ngoài khi rán.

4. Rán bánh
- Rán bánh cần nhiều dầu, sao cho dầu ngập bánh. 
- Nồi hoặc chảo rán phải rộng đủ cho bánh nở to hơn lúc ban đầu, và bơi được trong dầu
- Cho bánh vào từ khi dầu mới chỉ hơi ấm. Bật bếp nhỏ lửa.
- Khi bánh bắt đầu nổi lên, phải liên tục lăn bánh. Nếu ko bánh sẽ vàng ko đều.
- Nếu bánh có hiện tượng nứt phải ngay lập tức dìm bánh xuống dầu, bánh sẽ tròn trở lại, ko bị nổ và ko bị sũng dầu bên trong.
- Bánh vàng đều là được, bỏ ra giá hay giấy thấm dầu cho ráo dầu.

Bánh nên ăn ngay sau khi làm.

Chúc bạn ngon miệng!!!



Friday, 9 May 2014

NƯỚC RAU CỦ - SPINACH APPLE JUICE

Ở Hanoi bây giờ đã vào hè chưa, Saigon thì chắc nắng như đổ lửa ý nhỉ!?
Ở chỗ mình thì ngày nắng đẹp, xong ngay lập tức lại xập xùi được. Cô bạn mình bảo "Vì em đến từ đất nước nhiệt đới nên em thích mặc đồ nhiều màu, chị ở đây cả đời chỉ thích mặc độc màu đen thôi", rồi những ngày mưa- sương lạnh giá cô lại nhìn ra cửa sổ và than rằng "Ôi chị phải đi tìm ánh nắng của đời chị đây..."
Nhiều khi ta cứ ngần ngại ở lằn ranh giới giữa cái quen thuộc và điều ta ao ước, hàng thập kỷ trôi qua ta vẫn đứng ở đó và vẫn mộng tưởng về một thứ đẹp đẽ mơ hồ.

Thôi, dù nắng hay mưa, dù đông hay hạ thì cũng đừng bao giờ lơ là bản thân. Với một người phụ nữ phù phiếm như mình thì việc mỗi sáng thức dậy soi gương thấy mình đẹp hơn hôm qua cũng chính là hạnh phúc rồi 

Một loại thức uống từ rau củ, hoa quả ko bao giờ là thừa đúng ko các bạn.


SPINACH APPLE JUICE 



* Nguyên liệu
- 2 quả táo 
- 1 nắm cải bó xôi (spinach)
- 1 nửa quả dưa chuột 
- 2 thanh cần tây (celery)
- vài giọt chanh 
- 1 mẩu gừng nhỏ

* Cách làm
- Các nguyên liệu rau củ ngâm nước muối, và rửa sạch, để khô nước, gọt vỏ.
- Xay chung các nguyên liệu với nhau là xong
- Có thể lọc bỏ phần bã, chỉ sử dụng nước. Hoặc dùng cả bã cả nước, tùy bạn.


Chúc cho chị em chúng mình luôn tươi trẻ nhé ^.^

Monday, 5 May 2014

BÁNH BÒ LÁ DỨA NƯỚNG

Bánh bò nướng là món khá phổ biến ở miền Nam thì phải, còn ở miền Bắc thì ko có, cho nên mình cũng chưa từng ăn cho đến khi đọc blog của chị Candy. Chẳng biết mùi vị thế nào nhưng nhìn chị làm bánh ngon quá, chụp ảnh đẹp quá thế là mình cũng tập tọe làm theo công thức của chị. Lần đầu làm thì bị nhầm nguyên liệu (nhầm đúng cái nguyên liệu quan trọng nhất) nên bánh ra rất thơm ngon nhưng hình thù quái dị hehe. Và lần thứ 2 khi đã quyết tâm thì sao có thể hỏng được :P

Mình thấy có nhiều kiểu bánh bò lắm, có bánh bò hấp, bánh bò trong, bánh bò chay, bánh bò nướng,... thường được làm từ men cơm rượu thì phải. Cái này thì mình ko rõ nên ko dám nói sâu.
Bánh bò nướng mà lần này mình làm có vị ngậy từ nước cốt dừa, mùi thơm rất dịu và màu xanh đẹp mắt từ lá dứa, bánh dẻo dẻo dai dai bởi bột năng, đặc biệt cấu trúc bánh có hình rễ tre đặc trưng.

Mình làm theo công thức của chị Candycancook, bạn có thể tìm đọc công thức gốc tại đây
Trong công thức này sử dụng "single- acting baking powder" (hay bột nổi Alsa) để làm bánh cũng như tạo hình rễ tre cho bánh, và điều quan trọng là sau khi trộn "single- acting" vào thì phải đem bánh đi nướng càng nhanh càng tốt. 
Loại baking powder bán thông dụng ở ngoài thường là "double- acting". Mình ko có "single- acting baking powder", cũng chẳng tìm mua được "bột nổi Alsa", nên tự pha "single- acting baking powder" cũng theo công thức của chị Candy.

Như mọi khi trong quá trình làm mình tự thay đổi 1 chút nguyên liệu, cách làm và quy trình nướng cho phù hợp với bản thân. Mình sẽ ghi lại công thức ở dưới đây nhé.



BÁNH BÒ LÁ DỨA NƯỚNG
{công thức gốc của Candycancook}




* Nguyên liệu
- 165ml coconut milk 
- 1/2 cup đường
- 5 cái lá dứa. Xay và chắt lấy 1/4 cup nước cốt lá dứa màu xanh
Nếu sử dụng Panda paste (chiết xuất lá dứa đóng hộp sẵn) thì ko cần xay lá dứa tươi. Mà thay thế bằng 1/2 tsp panda paste + 1/4 cup nước lọc (hoặc muốn nhiều vị nước cốt dừa thì thay nước lọc bằng nước cốt dừa toàn bộ)
- 6 quả trứng gà, để ở nhiệt độ phòng
- 1tbsp dầu ăn
- 2 cup bột năng
- 2 + 1/2 tsp single- acting baking powder   (hoặc 1 gói bột nổi Alsa)
Mình pha theo công thức:  1tsp single- acting baking powder = 2/3tsp double- acting baking powder (loại baking powder bán thông dụng) + 1/4tsp baking soda + 1/2tsp cream of tartar + 1/4tsp corn starch

Ngoài ra:
- Mình sử dụng khuôn Bundt cỡ nhỏ
- Rây bột
- Găng tay (loại dùng để nấu ăn) vì sao cần cái này hồi sau sẽ rõ ^^

Nguồn: internet

* Cách làm
- Bật lò nướng ở nhiệt độ 170độ C. 
Bỏ khuôn bánh vào trong lò làm nóng trước.

- Nước cốt dừa + đường đun trên bếp, quấy đều cho tan. Chỉ đun đến khi hơi lăn tăn nhẹ là cùng, ko để sôi.
Tắt bếp, để nguội.

- Lá dứa cắt nhỏ, cho vào xay nhuyễn, lọc lấy khoảng 1/4 cup nước cốt màu xanh
Cho 1/4 cup nước cốt lá dứa vào nước cốt dừa vừa đun. Quấy đều.

Nếu sử dụng Panda paste (chiết xuất lá dứa đóng hộp sẵn) thì ko cần xay lá dứa tươi. Mà thay thế bằng 1/2 tsp panda paste + 1/4 cup nước lọc (hoặc muốn nhiều vị nước cốt dừa thì thay nước lọc bằng nước cốt dừa toàn bộ)

- Trứng đập từng quả vào âu, đánh qua cho tan lần lượt từng quả. Đánh nhẹ tay bằng 1 chiếc dĩa
Nếu đánh nhiều và mạnh trứng sẽ bông, khi nướng bánh sẽ nở phồng (thành bánh bò đúng nghĩa đen- là bò ra khỏi khuôn đó), còn vì sao dùng dĩa thì chắc có lẽ để giúp cấu trúc bánh có hình rễ tre.

- Cho dầu ăn, nước cốt dừa + nước cốt lá dứa (vừa làm ở trên) vào âu trứng. Đánh nhẹ (vâng, vẫn dùng dĩa nhé)

- Lúc này lấy khuôn bánh trong lò ra, quết dầu xung quanh khuôn để chống dính, rồi lại bỏ vào lò làm nóng tiếp.

- Chia bột năng thành nhiều phần, rồi dùng cái rây, rây bột năng vào hỗn hợp trên. Vừa rây vừa trộn nhẹ.
Ở khâu này thì dù bạn có trộn bao nhiêu lâu đi chăng nữa bột vẫn cứ vón cục, rất khó để làm. Đặc biệt khó khi ở bước sau cho "single- acting" vào cần ngay lập tức đem đi nướng, mà bột cứ vón cục thì làm sao mà nhanh được.
Thế nên mới cần 1 chiếc găng tay, loại dùng cho nấu ăn ý nhé. Sau khi rây bột năng và trộn đều, bột vón cục rất nhiều. Bạn dùng tay đeo găng bóp cho bột hết vón cục, và quyện đều (nhanh lắm). Xong, rất đơn giản.

Vì sao phải dùng găng tay ư, bởi lẽ chắc bạn ko muốn tay mình dính tùm lum trứng, bột,... chứ... :(

- Bỏ khuôn nướng trong lò ra để sẵn bên cạnh.

- Rây "single- acting" vào hỗn hợp trên, trộn nhẹ, nhanh tay. 
Lúc này bạn sẽ thấy nhận thấy hỗn hợp có sự thay đổi ngay lập tức. Cảm giác như hơi sủi bọt nhẹ nhẹ. Đó chính là bởi "single- acting" ngay lập tức hoạt động khi gặp hỗn hợp ướt. Lúc này phải nhanh chóng đưa bột đi nướng, đây chính là yếu tố quyết định bánh có cho rễ tre hay ko.

- Ngay lập tức đổ hỗn hợp bột bánh qua rây vào khuôn. 
Vì bạn đã dùng tay bóp cho bột hết vón nên bột bánh đã mịn, và mọi thao tác rất nhanh gọn. Nếu còn bất kỳ cục bột vón nào thì bạn dùng tay miết cho nhanh xuống.

- Nướng bánh : 15' đầu nướng ở nhiệt độ 170độ C - 20' sau nướng ở nhiệt độ 140độ C - 15' cuối nướng ở nhiệt độ 135độ C
Mục đích thay đổi nhiệt độ vậy để bánh chín đều, ko bị khô...

- Bánh nướng xong để nguội trong khuôn 30'. 
Sau đó bỏ ra ngoài đậy kín bánh để bánh ko bị khô.

- Bánh bò có thể bảo quản trong tủ lạnh, khi ăn thì bỏ vào microway khoảng 15s-20s làm nóng, bánh sẽ mềm ngon trở lại.

Do kinh nghiệm đau thương từ lần đầu làm (bánh nở phồng gấp đôi khuôn trong khi nướng, và nướng xong thì xẹp xuống 1/4) nên lần này mình rất hồi hộp trong quá trình nướng bánh. 
Và kết quả cực kỳ ưng ý: Mình đổ bột bánh đến quá 3/4 khuôn (tại lỡ làm nhiều quá) vậy mà bánh ko hề nở phồng, ko hề bị trào ra ngoài khuôn 1 chút nào, khi bỏ ra bánh cũng ko hề xẹp xuống (Ở giai đoạn 15' đầu bánh sẽ nở phồng lên 1 chút, sau đó khi hạ nhiệt độ, bánh sẽ xẹp xuống ở lại vị trí ban đầu và giữ nguyên như thế)

Xin được nhắc lại, theo cá nhân mình thì có 3 điều quan trọng mình rút ra được khi làm Bánh bò nướng đó là:
1. Ko trộn mạnh, ko trộn nhiều. Bởi lẽ trộn nhiều sẽ làm trứng bông ko cần thiết, khiến cho bánh bị nở phồng, rồi xẹp xuống, tạo hình ko đẹp mắt.
2. Sau khi cho "single- acting" vào thì cần ngay lập tức đem bánh đi nướng. Đây là yếu tố quyết định cho việc bánh có rễ tre hay ko. Cũng chính bởi vậy mà mình mới cho "single- acting" vào ở bước cuối cùng. Và cũng đừng quên công dụng của chiếc găng tay thần thánh nhé hehe :D
3. Thay đổi nhiệt độ trong quá trình nướng, điều này khiến bánh ko bị khô, đặc biệt là khi sử dụng khuôn Bundt để nướng bánh (cái này thì mình đọc được trên mạng- ở đâu chả nhớ, làm theo thì thấy đúng).

Nói chung nhìn thấy em Bánh bò xinh xắn đẹp đẽ, thơm dẻo mà lòng hân hoan vui phơi phới ^^

Chúc các bạn thành công!!!